Ăn gì, chơi ở đâu khi đến Pleiku - thành phố thuộc “Đất Nước Gia Lai”

avatar
Thịnh Seven

An editor at Stour


  • 2022 June 02
  • 5 min read
  • 266
  • 8334 Views

Được dịp thăm thú Pleiku vào mùa Tết vừa rồi, mình đã có trải nghiệm làm người bản địa tuyệt vời về vùng đất này. Cùng mình trải nghiệm và cân nhắc cho chuyến du lịch tiếp theo nhen!

1. Pleiku - Gia Lai là 2 nơi khác nhau??

Đây là suy nghĩ của mình trước khi đến đây, đúng là kiến thức địa lý học xong trả lại giáo viên hết trơn. Sau khi tìm hiểu lại thì mình đã khắc cốt ghi tâm Pleiku là thành phố thuộc tỉnh Gia Lai, nằm ở vùng Tây Nguyên nước ta. Được coi là thủ phủ của vùng Tây Nguyên vì ở đây chứa đựng  phong cảnh hữu tình, thời tiết mát mẻ, văn hóa lâu đời của các dân tốc thiểu số, đặc biệt là ngã 3 Đông Dương ở cửa khẩu Bờ Y

(Ảnh: FB Thành Ủy Pleiku)

2. Di chuyển tới Pleiku như thế nào?

Hiện tại thì có nhiều cách để đến Pleiku, tiện nhất là máy bay, vì nhanh gọn tiết kiệm thời gian, mà các hãng đều có chuyến bay thẳng đến sân bay Pleiku. Mình đặt vé máy bay trước tết một chiều, vì tính khi vào đi cùng với chị, giá vé khoảng 500-600ngàn, khá rẻ vì mọi người còn du xuân. Đáng lẽ mình xuất phát vào sáng 8h30 mùng 5 Tết, nhưng không, mình ngủ quên, trễ chuyến bay, phải đặt lại vào chuyến 17h. Một chuyến bay thật đáng nhớ, rút kinh nghiệm là các bạn nên đặt nhiều báo thức trước ngày đi, và hạn chế đặt chuyến sớm nếu là con sâu ngủ như mình nhé.

Khi vào lại SG mình đi xe giường nằm Thuận Tiến, chuyến cuối cùng lúc 7h tối thì tới tầm 5h- 6h sáng là về tới nơi, xe chạy cũng khá êm, dừng 2 trạm cho mọi người vệ sinh và ăn uống, tuy nhiên, mình ngủ suốt chuyến đi, hihi.

Ngoài xe Thuận Tiến, mọi người cũng có thể tham khảo các hãng Đức Đạt, Thuận Ý, Việt Tân Phát, giá vé ngày thường dao động tầm 250-400 tùy loại xe.

Mình cũng từng có kế hoạch đi bằng oto cùng bạn đến Pleiku, nhưng nghĩ đến quãng đường 500km nên quyết định leo lên xe khách, ngủ một giấc là tới nơi.

Con dốc huyền thoại ở trung tâm thành phố Pleiku - Gia Lai

3. Thời tiết lí tưởng để du lịch Pleiku

Mình nghe chị mình nói, Pleiku thời tiết mát mẻ quanh năm, tính đúng là chỉ có mùa khô và mùa mưa, vì trong ngày như có 4 mùa, còn mình cảm nhận 2 tuần ở đây thì ban ngày tuy nắng nhưng khí hậu vẫn mát, ban đêm sương xuống thì có lạnh hơn, phải mang áo khoác, hay do mình đi lúc còn dư âm mùa đông nên hơi lạnh.

Mình chưa du lịch Pleiku mùa mưa nhưng nghĩ đến vùng đất đỏ mà đi mưa, ôi, tội mấy đôi giày thế nhỉ!

Biển Hồ yên bình - thời tiết Pleiku mùa Tết 

4. Pleiku thì nên ở đâu?

Mình ở nhà chị ở đường Nguyễn Tri Phương, vì ở nhà nên cũng không rành các khách sạn homestay cho lắm, nhưng được mọi người high recommend khách sạn Khánh Linh ở đường Nguyễn Tất Thành được các gia đình đến đây du lịch ưa thích.

Hoặc mọi người có thể tham khảo các homestay sau:

(Ảnh FB: Tăng Hà Nhi)

5. Có gì để chơi ở Pleiku? 

Rất sai lầm khi mình nghĩ đây là thành phố buồn chán với những món ăn dân tộc truyền thống và còn tưởng tượng người dân cưỡi voi đi quanh phố nữa chứ, nhưng không, những con phố rộng rãi 2 làn oto chạy bon bon dưới 2 hàng cây lá vàng như ở Hàn Quốc làm mình mê mẩn, và đặc biệt ghiền luôn ẩm thực phố núi !!

(Các bạn bỏ qua mình đi, hãy xem hàng cây với lá vàng rơi kìa, có giống Hàn Quốc không chứ!) 

Đến Pleiku mình được dẫn đi ăn uống ở những quán nổi tiếng của người bản địa thì phải thốt lên rằng: ngon tuyệt cú mèo! Nhắc tới Gia Lai không thể nhắc tới những món ăn sau đây:

Phở khô gia lai - phở 2 tô: Phở xứ núi có khác mọi người ạ, nó như hủ tiếu dai ở SG mình ấy, ăn cùng thịt bò trụng và chả thịt và nước hầm xương, nghe 2 tô vậy thôi nhưng khẩu phẩn vừa ăn, đủ để lót bụng bằng những món ăn vặt khác. 

Gà nướng cơm lam: gà nhà nuôi, nướng trên bếp than hồng, ăn giữa thời tiết lành lạnh, còn gì bằng nữa các bạn nhỉ??

Bún cua: đặc sản Pleiku là đây, khá kén người ăn vì cua đồng được ngâm thành mắm, nấu lên có mùi đặc trưng mà nhiều người không ăn được, nhưng mà ăn được sẽ nhớ mãi đấy, có dịp các bạn thử nhé.

Gỏi cuốn phiên bản Gia Lai: không bún, chỉ rau rừng và thịt nướng, chấm cùng tương đậu phộng lạ miệng, một cuốn siêu to ăn 2 cuốn là mình no luôn rồi.

Bánh xèo bà Tám hay còn gọi là bánh xèo tự túc: cũng như những quán bánh xèo bình thường thôi, điểm đặc biệt ở đây khi bước vào quán mình phải tự thân vận động từ lấy rau, lấy đũa muỗng và ra chờ lấy bánh từ cô chủ. Cũng thú vị đấy vì xem được toàn bộ công đoạn làm bánh, về nhà bắt chước nhưng không làm ngon được như cô haha

Và món đặc biệt là lipton nóng Gia Lai, mình siêu ghiền với cách pha chế cực kì khác ở SG: cũng là trà lipton pha nhưng có thêm khay topping bỗ dưỡng như táo tàu, kỉ tử và mứt cùng một miếng cam và một miếng chanh, mình được dặn là pha chanh ít thôi để cảm được hết hương vị của trà thì đúng thật các bạn ạ. Siêu ngon và lạ miệng luôn. và món đặc biệt là lipton nóng Gia Lai mình siêu ghiền với cách pha chế cực kì khác ở SG: cũng là trà lipton pha nhưng có thêm khay topping bỗ dưỡng như táo tàu, kỉ tử và mứt cùng một miếng cam và một miếng chanh, mình được dặn là pha chanh ít thôi để cảm được hết hương vị của trà thì đúng thật các bạn ạ. Siêu ngon và lạ miệng luôn.

 6. Địa điểm vui chơi ở Pleiku

Ngoài lê la các hàng quán như người địa phương, mình còn được chị dẫn đi các địa điểm du lịch nổi tiếng 

Biển Hồ: mình cũng thắc mắc vì sao gọi là biển hồ, thì khi đến nơi mình mới hiểu được rằng, màu nước hồ xanh như nước biển, bao quanh bởi bạt ngàn cây cối, xa xa là đồi núi trập trùng tạo nên tổng thể lãng mạn vô cùng. Ở Biển Hồ, giơ máy lên là có cảnh đẹp, đẹp từ thiên nhiên cây cỏ, đẹp từ núi rừng bao la, đẹp từ trời xanh mây trắng, thật, không hề nói phét lên là Biển Hồ đẹp mà mình không ngờ. 

Biển Hồ chè và Hàng Thông trăm tuổi: nếu ở Biển Hồ màu xanh trong nước biển, thì Biển Hồ chè xanh mát rượi màu lá cây, nhưng cây chè thâm thấp giữa núi rừng Tây Nguyên tạo nên một khung cảnh hữu tình, ngồi nhâm nhi miếng bánh, thưởng miếng trà, quên hết sự đời. À thật ra mình say xe vật lên xuống nên chỉ cảm nhận chứ không có chụp hình ở đây và Hàng Thông trăm tuổi, buồn lắm nên nhất định sẽ có một ngày vòng lại Pleiku hehe

Công viên Đồng Xanh, quãng trường Đại Đoàn Kết, 2 nơi này mình thường đi dạo buổi tối nên không có hình sắc nét lắm, chỉ có ảnh hôm đi sớm chụp được lúc hoàng hôn chiều tà

Hoàng hôn trên Quảng trường

Đến Pleiku thì không thể nào không đi thác, thay vì đi những thác nổi tiếng như thác K50, thác Đôi, thác Phú Cường thì tụi mình chọn một thác được người địa phương đến để có trải nghiệm trọn vẹn nhất. Thác tụi mình đi là thác , sau khi ăn sáng no nê rồi tụi mình thuê một chiếc taxi 7 chỗ đến thác Chín Tầng, đường vào thác khá căng các bạn ạ, hên là anh tài xế cứng tay lái chứ có mấy phen tụi mình nhìn đường mà tự hỏi làm sao đi được nhỉ, vì là thác ít được người đến hơn nên cũng không phát triển du lịch nhiều, tụi mình được anh bán tạp hóa tốt bụng chỉ đường xuống thác, là một con đường mòn, hơi dốc và khó đi, với đứa cũng hay đi camping như mình thì đỡ chứ các bạn ít đi nên suy nghĩ. Nhưng mà, sau thăng trầm là nếm được trái ngọt, thác rất, rất đẹp các bạn ơi, dòng nước đầu nguồn đổ xuống tạo nên khung cảnh cực kì hùng vĩ, khi tụi mình đến là trời hơi lăm răm mưa, sau đó lại nắng nên may mắn nhìn thấy được cầu vồng dưới chân thác. Một trải nghiệm cực kì đáng sau khi về quăng luôn đôi giày haha.

Lần sau có dịp quay lại Pleiku, mình sẽ thử đi thác K50, được xem là thác đẹp nhất và là khu bảo tôn thiên nhiên được nhà nước công nhận, không thể đi tự túc, xem ảnh thác K50 từ các anh chị mà thấy tiếc vì dịp mình đi còn Tết nên không có đoàn vào.

Nếu là một người thích kiểu du lịch hoang dã, còn nhiều màu sắc thiên nhiên, hoặc thích hưởng thụ không khí trong lành, thì Pleikiu là một lựa chọn đáng cân nhắc. Hi vọng chia sẻ của mình hữu ích đối với mọi người. Và mong là Pleiku sẽ luôn giữ được vẻ đẹp bản chất vốn có của núi rừng Tây Nguyên.

Bài viết cùng chủ đề


avatar

Thịnh Seven

An editor at Stour

Nghiện rừng núi thiên nhiên hoang dã


Comments