Làng cổ Đường Lâm: Trở về miền kí ức
Trong guồng quay cuộc sống hối hả, tất bật, đôi lúc, ta muốn tìm về nơi an yên để tĩnh lặng tâm hồn, để trở về với những trong trẻo, bình yên thôn dã thì Làng cổ Đường Lâm là một lựa chọn hoàn hảo. Với nét kiến trúc cổ kính, đặc trưng của làng quê Bắc Bộ xưa cùng bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời, ngôi làng thường được gọi với cái tên khác: “Cổ trấn bị lãng quên”.
Nội dung bài viết
Một vài nét về làng cổ Đường Lâm
Làng cổ Đường Lâm thuộc địa phận thị xã Sơn Tây (Hà Nội), nằm bên hữu ngạn sông Hồng (bờ phía Nam), cạnh quốc lộ 32, tại ngã ba giao cắt với đường Hồ Chí Minh. Ngôi làng nằm cách trung tâm Thủ Đô Hà Nội 50km về phía Tây- một khoảng cách không quá xa và dễ dàng di chuyển trong ngày.
Đường Lâm là ngôi làng cổ đầu tiên được Nhà Nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa Quốc Gia ngày 19/5/2006. Đây cũng là quê hương của Phùng Hưng và Ngô Quyền- hai vị vua nổi tiếng trong lịch sử phong kiến nước ta.
Làng cổ Đường Lâm là đại diện tiêu biểu cho hình ảnh của làng quê Bắc Bộ xưa với cây đa, bến nước, sân đình, với những nét sinh hoạt thôn dã, …tưởng chừng như, ta chỉ có thể tìm được trong miền kí ức xa xôi.
Từ Hà Nội đi đến làng cổ Đường Lâm như thế nào?
Với vị trí địa lí gần trung tâm Hà Nội nên việc di chuyển tới làng cổ Đường Lâm khá dễ dàng, với nhiều phương thức khác nhau:
Đi bằng phương tiện cá nhân (xe máy, ô tô):
Có 2 tuyến đường để tới Đường Lâm, gồm:
- Từ Hà Nội đi theo hướng Đại lộ Thăng Long, rẽ phải ở ngã ba hòa Lạc, theo đường 21 qua Sơn Lộc đến ngã tư giao với đường 32 sẽ thấy biển chỉ dẫn vào làng cổ Đường Lâm.
- Từ Hà Nội đi về phía Nhổn, đi theo đường 32 đến thị xã Sơn Tây, đến ngã tư giao với đường 21 sẽ có lối rẽ vào làng ở bên trái.
Đi bằng xe bus:
- Xe bus số 71, từ bến xe Mỹ Đình đến bến xe Sơn Tây
- Xe bus số 70, từ bến xe Kim Mã đến bến xe Sơn Tây
- Xe bus số 77, từ bến xe Hà Đông đến bến xe Sơn Tây
Sau khi đến bến xe Sơn Tây, các bạn bắt xe ôm hoặc taxi đi vào làng cổ.
Các điểm tham quan ở làng cổ Đường Lâm
Đường Lâm có rất nhiều điểm tham quan gắn liền với kiến trúc, văn hóa làng quê xưa hoặc các nhân vật, sự kiện lịch sử và có sự hút đặc biệt với du khách:
Cổng làng Mông Phụ
Cùng với đình làng Mông Phụ, cổng làng là nét kiến trúc cổ xưa nhất ở Đường Lâm. Cổng làng hội tụ bao lớp lang văn hóa với kiến trúc vòm, được xây bằng đá ong cổ. Vốn dĩ, ngôi làng Đường Lâm có tất cả 5 cổng, gồm 1 cổng lớn và 4 cổng ở tứ phương. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ còn sót lại cổng làng Mông Phụ được xây dựng từ năm 1833-ở trên còn tựa dòng chữ “thế hữu hưng ngơi đại”, tức là “thời nào cũng có người tài”.
Đầu làng, sừng sững cây đa hơn 300 năm tuổi tạo nên khung cảnh bình yên, cổ kính và ấm áp cho ngôi làng. Xưa kia, cổng làng là nơi dừng chân nghỉ ngơi, trò chuyện, giao lưu của những người nông dân, những người đi chợ, đi buôn... Lâu dần, cổng làng thực sự trở thành biểu tượng của quê hương, xứ sở, mang nặng tâm tình của những người con xa quê luôn hướng về đất mẹ.
Đình làng Mông Phụ
Công trình được xây dựng năm 1684 trên một khu đất cao nhất trong làng, có diện tích 1.800m2, mặt trước hướng về phía Tây Nam, mang đậm dấu ấn kiến trúc Việt-Mường: đình có sàn gỗ cách mặt đất, mô phỏng kiến trúc nhà sàn. Bên trong Đình làng có treo rất nhiều hoành phi, câu đối nổi bật. Theo lời kể của người dân bản địa thì những tác phẩm điêu khắc, độc đáo, tinh vi trong Đình là của cụ Mục Hùng-một người thợ cả tài hoa, có óc sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo. Ông đã trực tiếp vẽ mẫu và hướng dẫn nhóm thợ mộc làng Mía xây dựng ngôi Đình này.
Sân đình rộng rãi, thoáng mát, là một “ngã sáu khổng lồ” xòe ra như những cánh hoa-quy tụ mọi con đường trong làng về trung tâm. Sự kì diệu về địa thế, kiến trúc đó khiến cho người dân có thể đi từ đình làng tới các xóm trong làng mà không ai trực tiếp quay lưng lại với hướng đình.
Đình làng Mông Phụ được Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1984.
Tham quan Nhà Thờ Thám Hoa Giang Văn Minh
Đây là nơi thờ tự vị Thám hoa lừng danh Giang Văn Minh, người được vua Lê Thần Tông cứ đi sứ sang Trung Quốc. Ông đã dũng cảm đối đáp để bảo vệ danh dự dân tộc trước sự xúc phạm của vua Minh.
Nhà thờ được người trong họ của ông xây dựng bằng gạch thời vua Tự Đức (1847-1883), kiến trúc theo kiểu chữ Nhị, quay mặt về hướng Nam.
Những ngôi nhà cổ độc đáo
Dạo bước trên những con đường được lát gạch sạch sẽ, hai bên là những bức tường đá ong màu vàng sậm cổ kính, du khách sẽ tới tham quan những ngôi nhà cổ trăm năm, được bảo tồn nghiêm ngặt tại Đường Lâm.
Làng cổ Đường Lâm có 956 ngôi nhà cổ, trong đó, nhiều ngôi nhà được xây dựng từ những năm 1649, 1703, 1850…Những ngôi nhà cổ này đều được làm từ các vật liệu truyền thống: đá ong, gỗ xoan, tre, gạch đất nung, ngói…với kiến trúc 5 gian hoặc 7 gian. Một số ngôi nhà cổ đẹp nhất, nổi tiếng nhất ở Đường Lâm có thể kể đến:
Nhà của ông Nguyễn Văn Hùng
Ngôi nhà gây ấn tượng với chiếc cổng cổ xưa cùng lối vào nhà rợp bóng cây tơ hồng, tạo cảm giác tĩnh lặng, yên bình và cũng vô cùng mát mẻ bởi được làm chủ yếu bằng gỗ lim, gỗ mít và được chạm khắc tinh xảo
Nhà của ông Hà Nguyên Huyến
Điểm đặc trưng của ngôi nhà cổ này là khoảng sân xếp đầy tăm tắp các vại tương màu nâu trầm do nhà ông Hà Nguyên Huyến có nghề nấu tương gia truyền lâu đời. Giữa sân là khoảng không gian xanh mát, trong nhà bày trí những bộ bàn ghế, tủ sập, những bức hoành phi, câu đối …tạo sức hút mạnh mẽ với khách thăm quan.
Nhà cổ của chị Dương Lan
Nhà của chị Dương Lan có bục cửa rất cao và có những đồ trang trí hình chiếc sừng. Đây là ngôi nhà của người đỗ đạt làm quan xưa kia. Du khách phải cúi rạp mình để bước vào căn nhà.
Giếng cổ Đường Lâm
Bên cạnh Cổng làng và Đình làng, giếng nước cũng là một biểu tượng đặc trưng, là linh hồn của làng quê Bắc Bộ xưa, gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân. Người dân trong làng thường ra giếng, múc những xô nước trong vắt, mát rượi, chảy từ mạch nước ngầm để nấu ăn, giặt giũ, sinh hoạt. Nhiều giếng cổ ở đây có lịch sử lâu đời, thường được xây dựng ở những khu đất cao, gần đình làng hoặc trung tâm các xóm.
Trên thành Giếng cổ Đường Lâm ở xóm Hè ghi năm 1939-là năm giếng được sửa chữa. Người xóm Hè hay truyền nhau câu vè: “Nước giếng hè, chè Cam Lâm”- ý chỉ lấy nước giếng ở đây đun sôi và pha với chè ở làng Cam Lâm gần đó sẽ rất ngon.
Ở xóm Phủ, có hai giếng nước được xem trọng như đôi mắt của Rồng. Một Giếng nước linh thiêng, được gọi là mắt phải của Rồng và được người dân hương khói cho đến tận ngày nay. Nước giếng luôn trong và chưa bao giờ cạn, kể cả vào những năm hạn hán. Người dân chỉ sử dụng nước giếng nước này để ăn uống. Còn một giếng khác-là mắt trái của Rồng, cung cấp nước tắm giặt cho người dân.
Trước Giếng xóm Sui có một tấm bia cổ, nhắc nhở người đời giữ giếng sạch trong như giữ lòng trong sáng.
Những ngôi đền, chùa nổi tiếng
Ngoài vẻ đẹp cổ kính, Đường Lâm còn được biết đến với danh xưng “Mảnh đất hai vua” vì đây là nơi sinh ra hai vị anh hùng dân tộc nổi tiếng trong lịch sử phong kiến Việt Nam: Phùng Hưng và Ngô Quyền. Để tỏ lòng biết ơn, trân trọng với tiền nhân, người dân Đường Lâm đã xây dựng những công trình thờ phụng, tâm linh từ xa xưa và còn được bảo tồn cẩn thận đến tận ngày hôm nay.
Đến thăm làng cổ Đường Lâm, du khách nên dành chút thời gian để thăm viếng đền thờ Bố cái Đại Vương Phùng Hưng, đền thờ và Lăng Ngô Quyền cùng với Chùa Mía (Sùng Nghiệm Tự)
Đền thờ Phùng Hưng
Đền Thơ Phùng Hưng ở làng cổ Đường Lâm có quy mô lớn nhất so với nhiều địa phương khác. Đền được xây vào thời Nguyền, gồm các hạng mục công trình như: Tả-Hữu Mạc, Đại Bái, Hậu Cung. Tượng Phùng Hưng được an tọa ở Hậu Cung, xung quanh đền là những cây lâu năm: lim, nhãn đa…cổ kính, trầm mặc
Đền thờ và Lăng Ngô Quyền
Lăng Ngô Quyền: khá rộng rãi, cách đền thờ Phùng Hưng khoảng 500m về bên trái. Đền Ngô Quyền: ở phía trên lăng và cách lăng khoảng 100m. Đền và lăng quay mặt về hướng Đông, được xây dựng trên một ngọn đồi rất cao. Trước mặt lăng là cánh đồng lúa bát ngát nằm giữa 2 sườn đồi. Một trong số đó là đồi Hổ Gầm, tương truyền là nơi thuở nhỏ, Ngô Quyền thường cùng các bạn chăn trâu, cắt cỏ, tập luyện võ nghệ và là vị trí đẹp nhất của ấp Đường Lâm xưa
Chùa Mía (Sùng Nghiêm Tự)
Chùa Mía năm ở ngã ba trên đường tới khu di tích lăng và đền thờ bà chúa Mía. Trong chùa, có nhiều tượng làm bằng đồng, gỗ hoặc đất sét. Chùa có không gian thanh tịnh, êm ả.
Đặc sản tại làng cổ Đường Lâm.
Một số đặc sản ở Đường Lâm mà du khách không nên bỏ lỡ, có thể kể đến:
- Gà mía: từng là “Đặc sản Tiến Vua”- biểu trưng cho sự ăn nên, làm ra, sung túc của mỗi gia đình. Gà mía chân nhỏ, lông vàng, khi luộc chín tới thịt có màu trắng, mỡ vàng, da rất giòn. Du khách nên thưởng thức bữa trưa gà mía tại Đường Lâm.
- Tương: được các gia đình trong làng Đường Lâm làm theo công thức gia truyền, lựa chọn các nguyên liệu cẩn thận, đựng trong những chiếc chum sành già, trải nhiều công đoạn tỉ mỉ để tạo ra những hũ tương ngon nhất. Món tương chấm này rất hợp để thưởng thức cùng rau muống, cà dầm, thịt luộc….
- Chè lam và kẹo dồi: đây cũng là món ngon gia truyền của người dân Đường Lâm. Du khách vào thăm nhà, rất dễ bắt gặp cảnh người dân đang nấu kẹo chè lam hoặc đang cắt kẹo mời khách thưởng thức cùng chén trà xanh.
- Bánh tẻ: ở Đường Lâm, người dân gói bánh tẻ bằng lá dong, hình dáng thon dài, nhân trải đều dọc theo sống lá. Bánh có mùi thơm từ lá dong, không nhiều mùi dầu mỡ, không có mùi hành-hương vị rất mộc mạc, ăn hoài không ngán.
Những lưu ý khi đi du lịch làng cổ Đường Lâm:
- Cần mua vé tham quan ngay tại cổng làng, giá vé 20k/người lớn, 10k/trẻ em.
- Để ngắm trọn vẹn vẻ đẹp bình yên của Đường Lâm, du khách nên đi bộ hoặc đi xe đạp. Giá thuê xe đạp là: từ 30k đến 50k/ngày.
- Bạn có thể đặt cơm hoặc dịch vụ homestay tại Đường Lâm. Tuy nhiên, nên đặt cơm trước ngày/giờ khởi hành vì những gia đình ở đây sẽ chỉ nấu cơm khi có khách đặt. Tham khảo thông tin dịch vụ đặt cơm, homestay, cho thuê xe đạp: Ms. Dương Lan (0364.105.180), Mr. Hùng (0243.326.0128)
- Thời điểm đẹp nhất để đến Đường Lâm là vào mùa lễ hội(tháng Giêng âm lịch) hoặc mùa lúa chín (khoảng tháng 5, tháng 6):
+ Mùa lễ hội: cảm nhân nét đẹp văn hóa của làng quê Bắc Bộ xưa với những trò chơi dân gian: cờ tướng, kéo co, chọi gà, bịt mắt bắt dê…trong không khí vui tươi, rộn ràng náo nức cùng những nghi lễ cúng bái, thờ phụng tại những ngôi đền linh thiêng.
+ Mùa lúa chín: Những cánh đồng óng ả, trải dài bát ngát, đẹp dịu dàng, mềm mại– mang lại cảm giác bình yên, là “nơi trốn lí tưởng”, xua tan bộn bề, lo âu của cuộc sống thường ngày.
- Khi vào tham quan các nhà cổ, các bạn nên chào hỏi lễ phép những thành viên trong gia đình. Nếu muốn mua gì về làm quà cho bạn bè, người thân, bạn có thể mua ngay tại các gia đình này thay vì ra chợ.
- Để đáp lại sự nhiệt tình, mến khách của những người làm công tác giới thiệu địa điểm thuộc Ban quản lí di tích, bạn nên dành một ít tiền tips đưa cho họ.
Cùng với sự phát triển kinh tế, du lịch, làng cổ Đường Lâm ngày càng được du khách trong và ngoài nước biết đến với những ấn tượng đẹp đẽ về sự cổ kính, trang nghiêm nhưng cũng rất đỗi bình yên, ấm áp. Trở về với Đường Lâm là trở về với cội nguồn kí ức, trở về với sự trong trẻo, hồn hậu nơi thôn dã-thật khó kiếm tìm trong nhịp sống đô thị hối hả hôm nay.
Bài viết cùng chủ đề
Thịnh Seven
An editor at StourNghiện rừng núi thiên nhiên hoang dã