Du lịch tâm linh tại danh thắng Chùa Hương

avatar
Thịnh Seven

An editor at Stour


  • 2022 June 05
  • 5 min read
  • 266
  • 3008 Views

Hành trình viếng thăm Chùa Hương là sự kết hợp hoàn hảo: tham quan các công trình kiến trúc tôn giáo và thưởng ngoạn cảnh sắc sơn thủy hữu tình.

Danh thắng Chùa Hương-Ảnh:internet Danh thắng Chùa Hương-Ảnh:internet

Chùa Hương ở đâu

Chùa Hương tọa lạc tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội-cách trung tâm thành phố khoảng 65km về phía nam. Đây là một quần thể văn hóa-tôn giáo đa dạng, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, một vài ngôi đền thờ các vị thần, các ngôi đình thờ theo tín ngưỡng nông nghiệp. Và trung tâm của cụm đền chùa tại vùng đất Hương Sơn, Mỹ Đức chính là Chùa Hương, nằm trong động Hương Tích.

Chùa Hương được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích Quốc Gia ngày 8/4/1962.

Ảnh: FB. An An Ảnh: FB. An An

Cách di chuyển tới Chùa Hương

Từ Thủ đô Hà Nội, du khách có nhiều lựa chọn về phương tiện di chuyển tới Chùa Hương:

-         Di chuyển bằng ô tô: Chạy đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, tới nút giao thông Đồng Văn thì rẽ phải, vào quốc lộ 38. Đi tiếp 15 km theo hướng chợ Dầu là đến Chùa Hương.

-         Di chuyển bằng xe máy: từ đường Nguyễn Trãi đi thẳng Hà Đông đến ngã ba Ba La thì rẽ trái sang Vân Đình. Đi tiếp 40km đến Tế Tiêu rồi rẽ trái và hỏi người dân đường đi Chùa Hương.

-         Di chuyển bằng xe Bus:

+ Xe bus 211, 78:  đi từ Bến xe Mỹ Đình đến Tế Tiêu

+ Xe bus 75: đi từ bến xe Yên Nghĩa đến Tế Tiêu

Xuống điểm đến Tế Tiêu, bạn bắt xe ôm/taxi di chuyển đến Chùa Hương.

Nên đi Chùa Hương vào thời điểm nào

Nằm ở ngoại ô Hà Nội và sở hữu cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, hội tụ các công trình Phật Giáo nổi tiếng, Chùa Hương là điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch quanh năm.

Mùa xuân (từ tháng 1 đến hết tháng 3 âm lịch), lượng du khách tới Chùa Hương đông đúc hơn cả. Đặc biệt, cao điểm của mùa hành hương đầu năm là từ rằm tháng Giêng tới giữa tháng 2 âm lịch, do đó, du khách nào muốn thảnh thơi vãn cảnh thì không nên lựa chọn khoảng thời gian này.

Cuối tháng 3 âm lịch là mua hoa gạo nở đỏ rực hai bên bờ suối Yến, rất thích hợp để du lịch thưởng ngoạn và chụp hình.

Những tháng 9,10,11,12 cuối năm, không còn là cao điểm mùa lễ hội- du khách cũng có thể lựa chọn thời điểm này đi hành hương, lễ chùa và cảm nhận khung cảnh bình yên, tươi đẹp nơi đây.

Mùa hoa gạo_Ảnh: FB. Cao Anh Tuấn Mùa hoa gạo_Ảnh: FB. Cao Anh Tuấn Mùa hoa súng-FB Trương Minh Bảo Mùa hoa súng-FB Trương Minh Bảo

Lễ hội Chùa Hương

Lễ hội Chùa Hương kéo dài từ mồng 6 tháng Giêng đến hạ tuần tháng 3 âm lịch hàng năm và được xem là lễ hội dài ngày nhất ở Việt Nam. Khi những cánh hoa mơ nở trắng núi rừng Hương Sơn độ xuân về, hàng triệu Phật Tử cùng du khách thập phương lại nô nức trẩy hội Chùa Hương trên hành trình về với đất Phật, thành tâm thắp nén nhang, cầu mong sang năm mới gia đạo được an lành.

Lễ hội chùa Hương gắn liền với tín ngưỡng dân gian thờ Chúa Ba. Tương truyền, công chúa Diệu Thiện (còn gọi là Chúa Ba, ứng thân của Quán Thế Âm Bồ Tát) đã tới mảnh đất Hương Sơn xưa, tu hành 9 năm và sau đó, đắc đạo thành Phật, đi cứu độ chúng sinh.

Trong lịch sử Việt Nam cũng từng ghi nhận, vào tháng 3 năm Canh Dần (1770), Chúa Trịnh Sâm tuần du trấn Sơn Nam, đã vào động Hương Tích thắp hương, vãn cảnh. Cảm thán trước vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, kì vĩ cùng sự trầm mặc, linh thiêng nơi cửa Phật, Chúa Trịnh đã đề lên vách đá ở cửa động hàng chữ “Nam thiên Đệ Nhất Động”. Kể từ đó, Động Hương Tích nói chung và Chùa Hương nói riêng càng trở nên nổi tiếng cả về cảnh quan lẫn giá trị tâm linh, là chỗ dựa tinh thần của người dân-nơi gửi gắm những ước nguyện bình an, tốt lành.

Lễ hội Chùa Hương được xem là đại diện điển hình của những lễ hội du xuân đầu năm, mang đậm dấu ấn văn hóa, tín ngưỡng của người dân đồng bằng Bắc Bộ. Về phần lễ, các sự kiện tâm linh được diễn ra bao gồm: lễ dâng hương, lễ rước và lễ thiền. Trước hôm khai lễ một ngày, tất cả các đền, chùa, đình, miếu đều hương khói nghi ngút, tạo nên không gian trầm lắng, yên tĩnh, linh thiêng.

Vào ngày khai mạc lễ hội (mùng 6 tháng Giêng), nghi lễ Khai sơn – mở cửa rừng được tiến hành, hàm chứa ý nghĩa “Mở cửa chùa”. Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, luôn có lễ dâng hương gồm hương, hoa, đèn, nến, hoa quả và thức ăn chay. Khi cúng, sẽ có hai tăng ni mặc áo cà sa mang đồ lễ chạy đàn rồi mới tiến cúng đồ lễ lên bàn thờ. Trong lúc chạy đàn, hai vị tăng ni thực hiện nhiều động tác múa dẻo và đẹp mắt-rất hiếm gặp ở những lễ hội khác. Từ ngày mở hội cho đến khi hết hội, chỉ thi thoảng mới có các nhà sư gõ mõ tụng kinh tầm nửa giờ tại các chùa, miếu, đền- còn hương khói, luôn nghi ngút ngày đêm. Phần lễ tại chùa chính thiên về lễ thiền. Trong khi, ở các đền, chùa xung quanh thờ các vị sơn thần thượng đẳng, với đủ màu sắc, tín ngưỡng. Đền Cửa Vòng là “chân long linh từ” thờ Bà chúa thượng ngàn cai quản cả một vùng rừng núi xung quanh. Chùa Bắc Đài, chùa Tuyết Sơn, chùa Cả và đình Quân thờ ngũ hổ và tín ngưỡng cá thần…

Ngoài ra, dân làng còn tổ chức lễ rước thần từ đền ra đình. Trước tiên, họ dinh kiệu tới nhà ông soạn văn tế, rước bản văn tế ra đền để chủ tế trịnh trọng tuyên đọc, điều khiển mọi người làm lễ rước các vị thần làng.  Cờ trống đi trước, dàn nhạc bát âm theo sau, trai thanh gái lịch phù kiệu cùng những người già cả thành tâm tiễn thần.

Như vậy, có thể nói, phần lễ đã thể hiện tín ngưỡng thờ cúng của một tổng thế hài hòa ba tôn giáo lớn của nước ta, gồm: Phật Giáo, Nho Giáo và Đạo Giáo.

Về phần hội, đây là sự kết hợp những nét sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo trên nền cảnh đẹp thiên nhiên sẵn có ở địa phương, tạo điểm nhấn thu hút đám đông du khách với những hoạt động bơi thuyền, leo núi, hát chèo, hát văn trên suối Yến…..

Vào những ngày tổ chức lễ hội, Chùa Hương tấp nập cảnh vào ra của hàng trăm con thuyền chở du khách trẩy hội, đặc biệt là từ rằm tháng Giêng tới giữa tháng 2 âm lịch. Kẻ đi ra, người đi vào, kẻ đi lên, người đi xuống...họ gặp nhau, dù quen hay không quen biết, đều vui vẻ chắp tay, chào nhau ấm áp: “Nam mô a di Đà Phật”.

Khai hội Chùa Hương-Ảnh: Internet Khai hội Chùa Hương-Ảnh: Internet Ngày lễ hội-FB. Chùa Hương Ngày lễ hội-FB. Chùa Hương Ảnh: FB Chùa Hương Ảnh: FB Chùa Hương

Thông tin giá vé du lịch Chùa Hương năm 2022

Khi tham quan khu danh thắng Chùa Hương, du khách cần mua vé tham quan thắng cảnh và vé thuyền, đò:

-         Giá vé tham quan thắng cảnh: 80.000đ/người

-         Vé thuyền đò (tuyến Hương Tích): 50.000đ/người/2 lượt

-         Vé thuyền( tuyến  chùa: Thanh Sơn, Long Vân, Tuyết Sơn): 35.000đ/người/2 lượt

-         Giá vé cáp treo (có 2 nhà ga: Thiên Trù, Hương Tích):

+ Người lớn: 180.000đ/người/khứ hồi, 120.000đ/người/1 chiều

+ Trẻ em dưới 1.1m: 120.000đ/người/khứ hồi, 90.000đ/người/1 chiều

Lưu ý: Trẻ em dưới 5 tuổi, hoặc cao dưới 1.1m, người khuyết tật nặng được miễn phí vé tham quan+vé thuyền.

Một số đối tượng hưởng ưu đãi được miễn 50% tiền vé thắng cảnh, gồm: Người cao tuổi trên 60 tuổi, người có công với cách mạng, người thuộc diện chính sách xã hội(Người tàn tật, người già neo đơn, các đối tượng được chăm sóc tại cơ sở bảo trợ xã hội). 

Những ngày không thu phí tham quan: Ngày Di sản Văn hóa, Ngày 30/ mùng 1/mùng 2 tết Nguyên Đán, Ngày lễ Phật Đản ( 15/04 Âm Lịch).

 Các điểm tham quan ở Chùa Hương

Hiện tại, có 4 tuyến tham quan thắng cảnh Chùa Hương, gồm:

-         Tuyến Hương Tích(tuyến chính): Đền Trình – Chùa Thiên Trù – Chùa Tiên Sơn – Chùa Giải Oan – Đền Trần Song – Động Hương Tích – Chùa Hinh Bồng.

-         Tuyến Thanh Sơn: Chùa Thanh Sơn – Động Hương Đài

-         Tuyến Long Vân: Chùa Long Vân – Động Long Vân – Hang Sũng Sàm

-         Tuyến Tuyết Sơn: Chùa Bảo Đài – Động Chùa Cá – Động Tuyết Sơn

Nếu thời gian tham quan chỉ là 1 ngày, du khách nên đi tuyến Hương Tích. Còn thời gian nhiều hơn, có thể kết hợp đi thêm các tuyến khác. Hành trình tham quan sẽ đưa du khách đến với những địa danh nổi tiếng bậc nhất của danh thắng Chùa Hương, có thể kể đến như:

Suối Yến

Là con đường thủy duy nhất đến với chùa Hương, dài khoảng 4 km. Từ nơi tập kết- bến Đục, du khách xuôi dòng suối Yến để đi vào cõi thanh tịnh. Trên đường di chuyển, khung cảnh nên thơ của núi rừng, suối nước đủ sức làm say đắm tâm hồn của bất cứ ai . Đặc biệt, vào tháng 9, 10 và 11; trong tiết thu sang; những bông hoa súng nở rộ trên mặt nước; càng tô điểm thêm cho vẻ đẹp hiền dịu của Suối Yến.

Ảnh: nguyen tu anh1312 Ảnh: nguyen tu anh1312

Đền Trình

Là ngôi đền đầu tiên bạn đến sau khi xuống thuyền, được xây dựng dưới chân núi Ngũ Nhạc hùng vĩ, hoang sơ. Đúng như tên gọi, Đền Trình là nơi khách tham quan tới trình diện với các vị thần. 

Chùa Thiên Trù

Rời đền Trình, du khách tiếp tục ngồi thuyền, ngược dòng suối Yến hướng về đến bến Trò- tức là bến đò của chùa Thiên Trù, nằm lọt giữa một thung lũng xinh đẹp.Chùa Thiên Trù tọa lạc trên thềm núi Lão, được xây dựng và hoàn thành vào năm 1467.

Chùa Thiên Trù-ảnh: internet Chùa Thiên Trù-ảnh: internet

Chùa Tiên Sơn

Từ bến Trò, rẽ phải, du khách sẽ thấy chùa Tiên Sơn nằm trên dốc núi cao. Chùa Tiên Sơn có chánh điện tựa lưng bên sườn núi; khoảng sân phía trước rất thoáng mát và có thể bao quát cả một vùng rừng núi xanh thẳm. Bên trái chính điện là thạch động với những pho tượng Phật cao gần nửa mét bằng thạch nhũ trắng trong, nhìn thấu từ truớc ra sau. Ngoài ra, thạch động còn có những phiến đá khi gõ vào phát ra tiếng vang như chuông, trầm như trống và cốc cốc như mõ.

Ảnh: FB Hiền Hin Ảnh: FB Hiền Hin

Chùa Giải Oan.

Chùa tọa lạc ở núi Long Tuyền, nằm trên con đường đến động Hương Tích(cách khoảng 2,5km) và mang nét đẹp cổ kính, hoài niệm. Chùa Giải Oan thờ Bồ Tát Quán Thế Âm. Trong chùa, có giếng Giải Oan với làn nước trong suốt, mát lành. 

Chùa Giải oan_Ảnh: internet Chùa Giải oan_Ảnh: internet

Động Hương Tích

Động Hương Tích được mệnh danh là “Nam Thiên Đệ Nhất Động”, ở độ cao 390m. Du khách có thể leo bộ hoặc di chuyển bằng cáp treo để đến động.

Trên trần động Hương Tích rủ xuống chín nhũ đá hình chín con rồng chầu một khối thạch nhũ dưới nền động, gọi là “Cửu Long Tranh Châu”. Ngoài ra còn có núi Đụn Gạo, cây vàng, cây bạc, con trâu, con lợn, ao bèo, buồng tằm, né kén, núi Cô, núi Cậu và cả bầu sữa mẹ thánh thót nhỏ giọt như đếm nhịp thời gian mà du khách đến đây ai cũng mong mình may mắn có được một giọt lấy khước.

Đặc biệt, ở trong động, có pho tượng Quán Thế Âm Bồ Tát rất đẹp, thanh thoát, có hình dáng một thiếu nữ với khuôn mặt trái xoan, cổ cao ba ngấn, đầu đội mũ Tì Lư. Tượng ngồi lên tảng đá trông tựa gốc cổ thụ,chân trái để trần- đặt lên bông sen nở, chân phải co lên trông thật thoải mái. Tay trái tượng cầm một viên minh châu. Tương truyền, động Hương Tích chính là nơi Quán Thế Âm Bồ Tát tu hành đắc đạo, nên đặc biệt, rất linh thiêng-thu hút nhiều tín đồ Phật Giáo tới chiêm bái, cầu bình an.

Trước cửa động-Ảnh: FB. Nguyễn Nhung Trước cửa động-Ảnh: FB. Nguyễn Nhung Bên trong Động Hương Tích-Ảnh: internet Bên trong Động Hương Tích-Ảnh: internet Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát-FB. Chùa Hương Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát-FB. Chùa Hương

Những lưu ý khi đi du lịch Chùa Hương

-         Khi đi lễ chùa, cần chú ý mặc trang phục kín đáo, gọn gàng. Hạn chế đi giày cao gót vì phải leo núi và đi bộ đường dài.

-         Cẩn thận tư trang khi đi trong đám đông, đặc biệt vào những dịp cuối tuần hoặc mùa lễ hội, tránh tạo điều kiện cho kẻ gian lợi dụng.

-         Có thể đem theo một ít đồ ăn dọc đường: xôi, bánh mì, nước lọc, trái cây…

-         Nên xem trước dự báo thời tiết để chuẩn bị thêm ô, áo mưa…cho phù hợp

-         Du khách có thể mua một số đặc sản về làm quà như: bánh rau sắng, bánh củ mài, mơ, rượu mơ…

 

 



avatar

Thịnh Seven

An editor at Stour

Nghiện rừng núi thiên nhiên hoang dã


Comments