Cổ Loa-Di tích lịch sử độc đáo của Thủ Đô Hà Nội

avatar
Thịnh Seven

An editor at Stour


  • 2022 June 08
  • 5 min read
  • 266
  • 3173 Views

Quá khứ đã lùi xa, thành Cổ Loa từ thời An Dương Vương vẫn còn đó và ngày nay, đã trở thành một điểm du lịch độc đáo, hấp dẫn của Thủ Đô Hà Nội.

Ảnh: FB. Cổ Loa Village Tour & Event Ảnh: FB. Cổ Loa Village Tour & Event

Thành Cổ Loa ở đâu

Khu di tích lịch sử thành Cổ Loa trải rộng trên địa phận 3 xã: Cổ Loa, Việt Hùng, Dục Tú thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội. Di tích nằm cách trung tâm Hà Nội chỉ 24km nên rất thuận tiện cho du khách đến tham quan, du lịch trong ngày, đặc biệt vào các dịp cuối tuần.

Di chuyển đến Cổ Loa như thế nào

-         Di chuyển bằng phương tiện cá nhân (ô tô, xe máy):

+  Đi lối cầu Chương Dương: Trung tâm thành phố- Cầu Chương Dương- Nguyễn Văn Cừ- lên cầu Đông Trù- đường Tiên Hội- Quốc Lộ 3- đường Cổ Loa

+ Đi lối cầu Nhật Tân: Trung tâm thành phố- cầu Nhật Tân- rẽ xuống đường 5 kéo dài- tới ngã 3 rẽ ra Quốc lộ 3-đường Cổ Loa.

-         Di chuyển bằng xe bus:

+ Xe bus số 46: Từ Bến xe Mỹ Đình đến Thị trấn Đông Anh-là tuyến xe có điểm dừng gần với thành Cổ Loa nhất. Thời gian di chuyển khoảng 8k/1 lượt và mất khoảng 20 phút di chuyển

+ Xe bus số 15, 17, 43, 59, 65: Các tuyến xe buýt này dừng tại ngã 3 Cổ Loa và bạn đi bộ hay bắt xe ôm khoảng 1km vào thành Cổ Loa.

Nên đi Cổ Loa vào thời gian nào

Bốn mùa xuân hạ thu đông đều thích hợp cho bạn đi Cổ Loa. Đặc biệt là vào những thời điểm sau, ở Cổ Loa sẽ có nhiều điểm độc đáo, thú vị hơn:

-         Từ ngày 6 đến 18 tháng Giêng âm lịch hàng năm: Lễ hội Cổ Loa được tổ chức nhằm tôn vinh công đức của An Dương Vương-người sáng lập ra nhà nước Âu Lạc và có công xây dựng thành Cổ Loa. Trong phần lễ, người dân địa phương sẽ tiến hành nghi thức rước kiệu vào đền thờ An Dương Vương, làm lễ rước thần ở làng Cổ Loa-cầu cho mưa thuận, gió hòa. Sau đó, phần hội được diễn ra với nhiều trò chơi dân gian sôi nổi: kéo co, bắn cung, cờ người, chọi gà, đấu vật, thi thổi cơm…thu hút nhiều đối tượng người xem. Du khách được thưởng thức các giá trị văn hóa truyền thống qua những khúc ca trù, nghệ thuật hát tuồng, múa rối nước…

Náo nức trẩy hội Cổ Loa_Ảnh: internet Náo nức trẩy hội Cổ Loa_Ảnh: internet
Khiêng kiệu cho Vua-Ảnh: internet Khiêng kiệu cho Vua-Ảnh: internet
Ảnh:Internet Ảnh:Internet

-         Vào các ngày mùng 1, mùng 6, 11, 16, 26 âm lịch-tại chợ Sa ngay trung tâm Cổ Loa sẽ họp chợ phiên theo truyền thống lâu đời. Chợ họp từ 5h sáng nhưng thường thì từ 3h sáng đã tấp nập kẻ bán người mua. Ngoài hàng hóa thường ngày phục vụ cuộc sống từ các nơi khác chuyển về, nét độc đáo của chợ Sa chính là những sản vật do người dân trong vùng sản xuất được đem ra chợ trao đổi. Phiên chợ với những thức quà dung dị như: bánh đúc, bánh dày, bỏng ngô, bỏng gạo…. được bán với giá rất mềm. Trái ngược với cuộc sống nơi phố thị luôn ồn ã, vội vàng, muốn mua gì có thể ghé ngay các siêu thị, cửa hàng tiện lợi…thì chợ phiên đem đến cho người tham gia cảm giác bình yên như được trở về tuổi thơ-lẽo đẽo theo chân bà hay mẹ ra chợ, đòi mua những món quà quê, vui vẻ chia sẻ đồ ăn ngon với bạn bè, anh chị em, cùng nhau vui đùa và nở nụ cười giòn tan.

Chợ phiên -FB.Cổ loa Village Tour&Event Chợ phiên -FB.Cổ loa Village Tour&Event

Giá vé tham quan, giờ mở cửa của di tích thành Cổ Loa

-         Vé vào thành Cổ Loa có giá là 10,000 đồng/người.

-         Thời gian mở cửa từ 6h30 đến 18h00 hàng ngày.

FB. Thùy Phương FB. Thùy Phương

Các điểm tham quan di tích thành Cổ Loa

Thành Cổ Loa được thiết kế theo kiến trúc hình xoắn ốc nên còn được gọi là Loa Thành. Thành gồm ba vòng khép kín với tổng chiều dài 3 vòng là 16km và chiều cao là 10m. Các vòng lần lượt tương ứng là thành nội, thành trung và thành ngoại. Tương truyền, cứ hễ thành đắp đến đâu là xây luỹ đến đó. Cả ba vòng thành đều được bao quanh bằng những con hào; xung quanh được bố trí cổng ra vào thành và các pháo đài.

Loa thành chủ yếu được xây bằng đất, sau đó là đá và gốm vỡ. Đá Kè được dùng xây chân thành để vững chắc nhất, đặc biệt là cách chân thành sát sông, ven đầm thì sẽ cần nhiều đá hơn.

Các công trình tiêu biểu của di tích thành Cổ Loa, gồm:

Đền An Dương Vương

Đền thờ An Dương Vương hay còn gọi là Đền Thượng -là nơi vua ở xưa kia. Đền Thượng có hai nghi môn là Nghi môn ngoại và Nghi môn nội. Nghi môn ngoại được xây dựng bằng gạch không trát, hình thức như một cổng thành có hai tầng, tầng dưới là 3 cửa đi, được xây kiểu cuốn vòm, tầng trên thu gọn dưới dạng vọng lâu 2 tầng 8 mái. Lối lên cửa giữa có đôi rồng đá lớn ở hai bên thành bậc cửa được tạo tác năm 1732.

Qua Nghi môn ngoại là sân rồng hạ được lát gạch Bát Tràng, giữa sân có một con đường lát đá chạy thẳng đến cửa chính Nghi môn nội. Do có quan niệm cho rằng: đền được xây trên “đầu rồng”, vì thế người ta đã tạo nên ở hai bên Sân rồng hạ 2 giếng nhỏ được gọi là “mắt rồng” tương xứng nhau, bên cạnh có 2 gò đất cao là “hàm rồng”. Nghi môn nội được đặt cao hơn mặt sân, lối lên có 7 bậc thềm đá xanh. Hai bên bậc thềm là đôi rồng tạo bằng vữa hợp chất.


Nghi môn ngoai-Ảnh: FB. Thùy Phương Nghi môn ngoai-Ảnh: FB. Thùy Phương
Nghi môn nội-Ảnh: internet Nghi môn nội-Ảnh: internet

Tiếp tục đi qua Nghi môn nội sẽ đến nhà Tiền tế, Trung đường và Hậu Cung. Ở Hậu cung, có bức tượng vua An Dương Vương được đúc bằng đồng, nặng 200kg, có niên đại 1897.

Nhà bia nằm trong tổng thể kiến trúc ngôi đền, được xây dựng trên một khu đất cao, hướng mặt quay vào đền. Đây là một công trình kiến trúc nhỏ có dạng Phương đình, hai tầng tám mái - một kiến trúc gỗ mái lợp ngói mũi hài khá hài hòa xinh xắn

Nhà bia Cổ Loa-ảnh: internet Nhà bia Cổ Loa-ảnh: internet

Giếng Ngọc

“Tôi kể ngày xưa truyện Mị Châu

Trái tim lầm lỡ để trên đầu

Nỏ thần vô ý trao tay giặc

Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”

Phía trước đền thờ An Dương Vương là một hồ nước lớn có hình cung tròn với bờ cong tự nhiên được kè bằng đá, có lối đi và trồng cây xung quanh, tạo cảnh quan thoáng đãng, tươi mát cho ngôi đền. Ở giữa hồ là Giếng Ngọc. Xưa kia, hồ nước thông với hào của hai vòng thành ngoài và ra tận bến sông phía Đông Nam thành Ngoại. Theo truyền thuyết thì  Mị Châu - Trọng Thủy thường xuất phát từ hồ nước này đi thuyền du ngoạn. Sau khi Mị Châu mất, Trọng Thủy đã ân hận, nhảy xuống giếng tự vẫn.

Ảnh: internet. Ảnh: internet. Giếng Ngọc-ảnh: internet Giếng Ngọc-ảnh: internet

Đình Cổ Loa

Còn được gọi là Ngự Triều Di Quy - nơi trước đây Thục Phán An Dương Vương thiết triều. Đình Ngự Triều Di Quy nằm gần giữa khu thành Nội, cách đền thờ An Dương Vương khoảng 300m về phía đông, phía trước là một khoảng sân rộng, bên tây là am Mị Châu, bên đông là xóm Chợ, phía sau là chùa Bảo Sơn. Nơi này được xây dựng bề thế, có bố cục mặt bằng hình chữ “Đinh”, (hay còn gọi là kiểu chuôi vồ) gồm 5 gian 2 trái và hậu cung. Trong đình có một chiếc cửa võng sơn son thiếp vàng chạm khắc Tứ Linh và Tứ Quý rất đẹp mắt và theo các nhà khảo cổ, nó được làm từ năm 1903.

Đình Cổ Loa- FB. Thùy Phương Đình Cổ Loa- FB. Thùy Phương Chạm khắc Tứ linh Tứ quý-Ảnh:internet Chạm khắc Tứ linh Tứ quý-Ảnh:internet

Am Mị Châu

Đây là nơi an nghỉ của công chúa Mị Châu, con gái của An Dương Vương. Tương truyền, sau khi nàng mất, ngư dân gần đó thấy một tảng đá hình người không đầu dạt vào bờ biển, toan hô người khiêng về. Đi đến khu vực am Mị Châu ngày nay thì đứt gánh, do đó, người dân đã lập am tại vị trí này. Trong am, tảng đá lớn không đầu được thờ phụng trong trang phục kiêu sa của công chúa Mị Châu.

Am Mị Châu-Ảnh:Internet Am Mị Châu-Ảnh:Internet

Đền thờ Cao Lỗ - Ông tổ vũ khí của nước Việt.

Cao Lỗ là vị tướng tài ba dưới thời Thục Phán An Dương Vương. Ông là tác giả của cây nỏ thần-Nỏ Liên Châu. Ông cũng là người trực tiếp chỉ huy việc xây thành Cổ Loa. Đền thờ Cao Lỗ được dựng lên để tưởng nhớ công lao to lớn của vị tướng này.

Tượng Cao Lỗ bắn nỏ-Ảnh: internet Tượng Cao Lỗ bắn nỏ-Ảnh: internet

Những cổ vật của thành Cổ Loa

Các nhà khảo cổ học đã khai quật được nhiều ngôi mộ, những chiếc rìu lưỡi xéo bằng đồng, trống đồng, hàng vạn mũi tên đồng ba cạnh và khuôn đúc mũi tên-là những cổ vật mang dấu ấn hàng ngàn năm-gợi nhắc về một thời kỳ phát triển rực rỡ của văn hóa đồ đồng, gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước oai hùng của dân tộc.

Nhà trưng bày cổ vật-Ảnh: internet Nhà trưng bày cổ vật-Ảnh: internet

Ăn uống, mua gì về làm quà ở Cổ Loa

Đến Cổ Loa du lịch, du khách nên nếm thử món cháo trai nổi tiếng, bổ dưỡng thơm ngon tại đây. Cháo được ăn kèm với quẩy nóng, hành phi, ruốc và vài miếng cà muối xổi.

Du khách nên mua một vài món đồ lưu niệm dành tặng người thân, bạn bè như: các bức tượng sứ mini hình rùa Kim Quy, tướng Cao Lỗ, vua An Dương Vương. Và cũng đừng quên, mua các loại nông sản, rau củ tươi ngon, an toàn tại chợ địa phương do người dân bản địa trồng và bán.



avatar

Thịnh Seven

An editor at Stour

Nghiện rừng núi thiên nhiên hoang dã


Comments