Du lịch chùa Tam Chúc-ngôi chùa lớn nhất Việt Nam
Khuôn viên rộng lớn, thanh tịnh, cảnh sắc hữu tình, quần thể kiến trúc đồ sộ, tinh tế là những nét đặc trưng của ngôi chùa lớn nhất Việt Nam: chùa Tam Chúc.
Nội dung bài viết
Chùa Tam Chúc ở đâu
Là một địa danh vô cùng nổi tiếng nên rất dễ dàng cho du khách tìm hiểu qua nhiều nguồn thông tin để biết “chùa Tam Chúc ở tỉnh nào”.
Tọa lạc trên nền ngôi chùa cổ cùng tên, chùa Tam Chúc thuộc địa phận thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, là một phần của khu du lịch Quốc Gia Tam Chúc.
Khu du lịch Quốc Gia Tam Chúc có tổng diện tích là 5.100ha, trong đó diện tích chùa Tam Chúc là 144ha, gồm 6 hạng mục: khu trung tâm đón tiếp, khu văn hóa tâm linh Tam Chúc, khu bảo tồn thiên nhiên Quèn Vồng và hồ Tam Chúc, khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe và du lịch cộng đồng Tam Chúc, khu sân golf Kim Bảng và hồ Ba Hang, trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động du lịch tại thị trấn Ba Sao.
Chùa Tam Chúc cách trung tâm Hà Nội khoảng 60km, cách thành phố Phủ Lý Hà Nam khoảng 12km, cách chùa Hương (Hà Nội) khoảng 4.5km và cách chùa Bái Đính (Ninh Bình) khoảng 30km. Chính vì sự thuận lợi về địa lý, giao thông đi lại, bộ ba chùa Tam Chúc, chùa Hương và chùa Bái Đính hợp thành tam giác “trục du lịch tâm linh” lớn nhất nước ta, tạo sức hút mạnh mẽ với du khách.
Chùa Tam Chúc thờ ai
Chùa Tam Chúc thờ Phật A Di Đà, Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật Quan Âm, Tam Thế Phật cùng những vị quốc sư có công lớn trong việc phát triển Phật giáo Việt Nam như: Sư tổ Đạt Ma, Thiền sư Khuông Việt, Thiền sư Đỗ Pháp Thuận, Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Thiền sư Nguyễn Minh Không.
Nên đi chùa Tam Chúc vào thời gian nào
Bạn có thể đến chùa Tam Chúc vào bất kì thời điểm nào trong năm, tuy nhiên, du khách thường lựa chọn đến chùa vào những khoảng thời gian sau:
- Từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch: đây là thời điểm nhộn nhịp nhất trong năm, lượng du khách đi chùa cầu bình an và du xuân rất đông. Du khách không chỉ được hòa mình vào lễ hội chùa Tam Chúc với những nghi lễ vô cùng trang nghiêm mà còn được tham gia vào các hoạt động sôi nổi, hấp dẫn trong dịp lễ hội đầu xuân.
Lễ hội chùa Tam Chúc: được tổ chức vào ngày 12 tháng Giếng hàng năm. Mở đầu lễ hội là nghi thức rước nước. Đoàn rước nước gồm vài chục chiếc thuyền, trong đó có hai thuyền rồng đi đầu rước 10 bình nước được lấy từ hồ thẳng tiến tới vị trí cắm cây nêu giữa hồ, gần đình Tam Chúc cổ để làm lễ. Sau đó, mỗi bình nước được đặt lên kiệu và khiêng vào các điện thờ, chùa Ngọc. Nghi thức dâng nước lễ Phật, lễ Thánh có ý nghĩa cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống bình an, hạnh phúc.
- Từ tháng 9 đến tháng 11 dương lịch: thời tiết miền Bắc nói chung và Hà Nam nói riêng khá mát mẻ, ánh nắng vàng dịu nhẹ, ít mưa. Trải nghiệm đi xe điện hay đi thuyền ngắm phong cảnh thiên nhiên ở chùa Tam Chúc trong tiết trời thu đẹp dịu dàng, đầy thơ mộng, cảm giác vô cùng dễ chịu.
- Những ngày lễ lớn của Phật Giáo thu hút nhiều Phật tử như: ngày Phật Đản, lễ Vu Lan, lễ Phật thành Đạo hoặc ngày rằm, mùng một…
- Những tháng mùa hè và mùa đông, lượng khách tới chùa sẽ ít hơn. Mùa hè nắng nóng, oi bức, nhiệt độ cao dễ khiến du khách bị mệt khi phải di chuyển nhiều. Do khuôn viên chùa có hồ nước và khi leo núi vào mùa đông, nền nhiệt ở đây sẽ thấp hơn khu vực đồng bằng xung quanh nên du khách cần lưu ý về vấn đề trang phục để có một chuyến đi trọn vẹn.
Đi đến chùa Tam Chúc Hà Nam như thế nào
Xuất phát từ Hà Nội, bạn có nhiều lựa chọn về phương tiện di chuyển để đến chùa Tam Chúc Hà Nam:
- Di chuyển bằng ô tô: đi cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ:
https://goo.gl/maps/aDxJdYRoJASBzi5B9
- Di chuyển bằng xe máy: đi cung đường Quốc lộ 1A-->tới cầu Nhật Tựu, đi theo Quốc lộ 38--> ĐT711
https://maps.app.goo.gl/FVAd3ZSbdARnH7XV7
- Di chuyển bằng xe bus: bạn bắt xe bus 206 từ bến xe Giáp Bát về Phủ Lý (Hà Nam), rồi đi xe ôm/taxi đến chùa Tam Chúc
- Di chuyển bằng xe khách: bạn bắt xe khách Hà Nội-Hà Nam, rồi đi xe ôm/taxi đến chùa Tam Chúc. Hoặc bạn có thể sử dụng dịch vụ limosine đưa đón tận nhà. Tham khảo các hãng xe: Cát Bà Express, Xe Thời Đại 4.0, Ninh Bình Excursion Transport…
Phương tiện di chuyển trong chùa Tam Chúc
Du khách có 2 sự lựa chọn: đi bằng thuyền hoặc xe điện để di chuyển trong khuôn viên chùa. Nếu đi bằng thuyền, bạn có cơ hội ngắm cảnh non nước và tham quan Đình Tam Chúc với hành trình kéo dài 50 phút. Đặc biệt, vào khung giờ từ 16h30 đến 18h30, du khách được thưởng thức trà chiều và ngắm hoàng hôn tuyệt đẹp tại nhà hàng Thủy Đình.
Các điểm tham quan tại chùa Tam Chúc
Ngôi chùa lớn nhất Việt Nam ở vào vị thế vô cùng đặc biệt, với cảnh quan mặt hướng hồ lưng tựa núi (Tiền Lục Nhạc-Hậu Thất Tinh) cùng rất địa điểm tham quan, công trình kiến trúc đẹp nguy nga, tinh tế.
Nhà khách Thủy Đình
Đây là điểm check in đầu tiên của du khách khi đặt chân đến chùa Tam Chúc. Bên trong Thủy Đình được bày biện rất trang nghiêm, treo những bức tranh bằng đèn led giới thiệu toàn cảnh khu du lịch tâm linh Tam Chúc. Du khách mua vé thuyền, vé xe điện tại nhà khách Thủy Đình để di chuyển tới các địa điểm khác và thưởng ngoạn cảnh sắc tuyệt đẹp, thanh tịnh của danh thắng chùa Tam Chúc.
Cổng Tam Quan
Trong quần thể kiến trúc chùa Tam Chúc có hai cổng Tam Quan:
Cổng Tam Quan ngoại: trước cổng Tam Quan ngoại là bến thuyền và điểm trả khách của xe điện. Hai bên cổng Tam Quan là hai con đường lớn để du khách đi bộ đến các chính điện của chùa, thiết kế khá giống chùa Bái Đính.
Cổng Tam Quan nội: sau hành trình đi thuyền trên hồ Tam Chúc, du khách bước lên bến thuyền sẽ thấy cổng Tam Quan nội. Cổng nằm trên trục thần đạo, có ba lối vào thường thấy tương tự những ngôi chùa truyền thống ở nước ta. Cổng được xây dựng nguy nga, bề thế với ba tầng theo kết cấu khung cột, mái cong toàn bộ bằng bê tông cốt thép sơn giả gỗ, đường nét hoa văn hài hòa với tổng thể kiến trúc của chùa Tam Chúc.
Vườn Cột Kinh
Qua khỏi cổng Tam Quan, bạn sẽ thấy một khoảng không rộng lớn với 32 cây cột vươn lên trời -đây chính là Vườn Cột Kinh. Các cột Kinh ở đây được phục dựng theo phiên bản cột Kinh Phật tại chùa Nhất Trụ-một bảo vật Quốc Gia tại Hoa Lư, Ninh Bình
Mỗi cột kinh nặng khoảng 200 tấn, cao 13.5m, rộng 2m hình lục giác, được làm từ đá xanh Thanh Hóa. Chân cột là đài sen, đỉnh cột là nụ sen, trên thân cột được điêu khắc tỉ mỉ những lời răn dạy của Đức Phật. Du khách sẽ cảm thấy lòng thanh thản, nhẹ nhàng, sống yêu thương và có trách nhiệm hơn khi đọc những lời răn dạy này. Đồng thời, Vườn Cột Kinh cũng là điểm check in độc đáo làm nên thương hiệu chùa Tam Chúc mà bạn không nên bỏ lỡ.
Điện Quán Âm
Qua Vườn Cột Kinh, leo thêm vài chục bậc đá nữa sẽ đến Điện Quán Âm. Phía trước điện là khoảng sân rộng tạo nên khung cảnh thoáng đãng, nhìn thẳng ra Vườn Cột Kinh.
Điện Quán Âm có chiều cao 30.5m, diện tích sàn 3.000m2, diện tích tầng hầm là 1.800m2. Điện Quán Âm thờ pho tượng Quan Âm Bồ Tát bằng đồng nguyên khối nặng 100 tấn do nghệ nhân nước ta chế tác và có 8.500 bức tranh kể các câu chuyện về Đức Phật do những người thợ Hồi Giáo Indonesia tạc bằng đá núi lửa Indonesia.
Điểm nhấn của Điện Quán Âm là 4 bức tranh phù điêu khổng lồ bao phủ toàn bộ diện tích 4 bức tường. Đây là một kho tàng phong phú với những tích chuyện cổ vô cùng sâu sắc về tấm lòng từ bi, nhân hậu của Bồ Tát cứu độ chúng sinh.
Điện Giáo Chủ
Điện Giáo Chủ thờ Phật Thích Ca Mâu Ni. Tại đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng pho tượng phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á. Có 4 bức phù điêu lớn bao trùm các bức tường trong Điện Giáo Chủ tương tự như ở Điện Quán Âm, kể về những giai đoạn và bước ngoặt trong cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ khi Ngài được sinh ra, thành đạo, thuyết pháp cho tới khi nhập Niết Bàn.
Điện Giáo Chủ có diện tích sàn lên đến 3.000 m2, cao 31 mét và được thiết kế hai tầng mái cong rất độc đáo, đẹp mắt.
Điện Tam Thế
Điện Tam Thế là công trình lớn nhất ở Chùa Tam Chúc với diện tích lên đến 5.400m2 chiều cao 39m, diện tích tầng hầm: 2.200m2, tại điện Tam Thế có thể giúp cho 5.000 Phật Tử có thể hành lễ cùng một lúc.
Bước qua hàng cửa gỗ tinh xảo của tòa Điện Tam Thế, du khách sẽ thấy ba pho Tam Thế bằng đồng đen được thờ trong điện, đại diện cho quá khứ, hiện tại và tương lai. Đằng sau mỗi pho tượng là bức phù điêu hình lá bồ đề-một biểu tượng đặc trưng của Phật giáo rất tráng lệ.
Đồng nhất thiết kế với Điện Quán Âm và Điện Giáo Chủ, những bức phù điêu khổng lồ bao xung quanh tường của Điện Tam Thế cũng được làm thủ công vô cùng hoành tráng, tỉ mỉ, công phu và thu hút du khách. Một điểm đặc biệt của tất cả những bức phù điêu trên tường của các Điện thờ ở chùa Tam Chúc là đều được đánh số thứ tự và được chú thích bằng 3 thứ tiếng. Nếu không có hướng dẫn viên đi cùng, bạn có thể tự check mã để tìm hiểu về ý nghĩa câu chuyện tương ứng với mỗi bức phù điêu.
Trước điện đặt một chiếc lư hương với đôi hạc lớn đứng chầu, giữa sân là đỉnh đồng khổng lồ và hai bên tả hữu là hàng Phật ngồi tịnh thiền, tạo nên không gian uy nghiêm, trang trọng.
Một nhánh cây Bồ Đề được lấy từ chính cây Bồ Đề nơi Đức Phật nhập Niết Bàn ở Srilanka đã được đem về trồng trước sân Điện Tam Thế, là điểm nhấn đặc sắc mà du khách không nên bỏ lỡ khi đến nơi này.
Thêm vào đó, trong khuôn viên sân điện Tam Thế còn có vạc Phổ Minh-một trong tứ đại khí An Nam thời Trần được phục dựng và đặt tại đây. Bốn mặt của chiếc vạc được trang trí cầu kỳ hình ảnh của những công trình tâm linh nổi tiếng tại Việt Nam: quần thể du lịch Tràng An, chùa Bái Đính và Tam Chúc, Hành cung Vũ Lâm nhà Trần, chùa Song Tử Tây trên quần đảo Trường Sa.
Chính diện chiếc vạc là hình điêu khắc nổi vị thiền sư Nguyễn Minh Không-người sáng lập chùa Bái Đính.
Chùa Ngọc ( Đàn Tế Trời)
Hành trình đến chùa Ngọc là một trong những thử thách dành cho du khách trong chuyến tham quan chùa Tam Chúc. Sau khi đi qua Tam Điện, bạn sẽ phải đi bộ và leo bậc thang một đoạn khá xa. Bù lại, khi tới chùa, bạn sẽ không khỏi bất ngờ bởi lối kiến trúc độc đáo, khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên và toàn cảnh quần thể chùa Tam Chúc từ trên cao.
Chùa Ngọc được chế tác hoàn toàn từ đá granit đỏ từ đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân Ấn Độ và hoàn toàn không dùng đến các chất kết dính như xi măng, keo, bê tông. Tại Chùa Ngọc thờ một pho tượng Phật có chất liệu Hồng Ngọc, nặng tầm 4 tấn và lưu giữ thiên thạch từ mặt trăng, có trọng lượng đến 5.5kg. Đây là thiên thạch được tìm thấy vào năm 2017, rơi từ vũ trụ xuống sa mạc Sahara cách đây hàng ngàn năm trước- vô cùng quý hiếm.
Vé tham quan chùa Tam Chúc
- Giá vé thăm quan chùa: miễn phí
- Giá vé xe điện 2 chiều đi và về: 90.000/Người
- Giá vé đi thuyền 2 chiều đi và về: 200.000/người đối với vé thường. 240.000/người đối với vé vip.
Đối với trẻ em cao dưới 1m: miễn phí vé xe điện, vé thuyền.
Ăn uống, lưu trú khi đi du lịch chùa Tam Chúc
Du khách có thể tham khảo các địa chỉ ăn uống sau:
- Nhà hàng Thủy Đình: ở ngay trong khuôn viên chùa Tam Chúc, có sức chứa lên đến hàng nghìn khách. Tại đây phục vụ đa dạng các món chay, mặn với menu phong phú, ngon miệng, giá cả phải chăng.
- Nhà hàng Hà Nam: cách chùa Tam Chúc chỉ khoảng 1.5km. Địa chỉ: Quốc lộ 21A, Khả Phong, Kim Bảng, Hà Nam.
- Nhà hàng Tam Chúc Ba Sao, cách chùa 800m. Địa chỉ: KM14, quốc lộ 21A, thị trấn Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam
Tham khảo một số cơ sở lưu trú uy tín:
- Khách xá bên trong chùa Tam Chúc. Tại đây bạn sẽ được trải nghiệm đầy đủ các dịch vụ bao gồm tham quan, nghỉ dưỡng và ăn uống.
- Khách sạn Ngọc Lâm: Khu du lịch Tam Chúc, xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, Hà Nam
- Nhà nghỉ Tuệ Lâm: Quốc lộ 21A, Liên Sơn, Kim Bảng, Hà Nam.
Những lưu ý khi đi chùa Tam Chúc
- Bạn nên lựa chọn đi vào chùa bằng thuyền và trở ra bằng xe điện để ngắm được toàn cảnh vẻ đẹp của quần thế danh thắng chùa Tam Chúc
- Lựa chọn trang phục thoải mái, kín đáo. Nên đi giày thể thao, đội mũ nón, bôi kem chống nắng vì phải di chuyển nhiều ngoài trời.
- Chỉ thắp một nén hương ở đỉnh ngoài sân, không nên thắp hương trong điện
- Khi bước vào cửa chùa hoặc cửa điện, bạn nên đi cửa bên, không đi vào cửa giữa và bước qua bậu cửa, không dẫm lên bậu cửa.
- Khu du lịch chùa Tam Chúc có diện tích lên tới 4000 ha. Bạn nên tham khảo bản đồ để tránh mất thời gian.
- Ngày lễ, Tết rất đông du khách, an ninh không được đảm bảo. Bạn nên chú ý tránh bị móc túi hay giật đồ.
Bài viết cùng chủ đề
Thúy Hằng
An editor at StourSomething