Khám phá du lịch Cố đô Huế - vẻ đẹp lãng mạn, thơ mộng
Huế nổi tiếng với cái đẹp thơ mộng, êm đềm mà dịu dàng, nét đẹp duyên dáng ấy khiến bất cứ ai đặt chân đến vùng đất này đều lặng lẽ chìm đắm trong nét đẹp ấy.
Nội dung bài viết
Giới thiệu về Cố đô Huế
Huế là một tỉnh thuộc duyên hải miền Trung, có đường biên giới với nước bạn Lào và giáp biển Đông. Là trung tâm của dải đất miền Trung, tỉnh Thừa Thiên – Huế nói riêng và thành phố nơi này nói chung được thiên nhiên ưu ái khi nằm giữa muôn vàn cảnh đẹp của biển, sông, núi, đèo….Cố đô Huế mang một vẻ đẹp trầm lắng của những di tích cổ nhuốm màu rêu phong cùng năm tháng khiến cho người ta nghĩ Huế mang một vẻ đượm buồn rất thơ.
Tại Cố đô Huế bạn sẽ được tận mắt ngắm nhìn lăng tẩm Huế mang đậm kiến trúc cung đình triều Nguyễn với những nét cổ kính, trầm mặc, uy nghiêm. Cùng với đó là sự thân thiện, hiền hòa của người dân xứ Huế, nét đẹp bình dị, chân chất luôn nở những nợ cười thân thiện đón chào du khách thập phương.
Cùng gia đình, bạn bè thưởng thức Nhã nhạc cung đình Huế, một món ăn tinh thần, tinh hoa của nền âm nhạc Việt Nam.
Thời gian du lịch Cố đô Huế lý tưởng nhất
Mỗi mùa Huế lại khoác lên một chiếc áo riêng nhưng ở đó vẫn luôn ẩn chứa những nét thơ mộng, dịu êm như người con gái xứ Huế. Đặc biệt là khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 8 là lúc thời tiết thuận lợi để ghé thăm các thắng cảnh tại đây. Còn khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 12 là mùa mưa của Huế vì vậy bạn sẽ khó để tham quan các cảnh đẹp tại vùng đất Cố đô này.
Từ tháng 1 - tháng 3: Thời tiết se lạnh, cây cối đâm chồi nảy lộc, cảnh sắc tươi đẹp. Thích hợp để chiêm ngưỡng nét đẹp dịu dàng ở Huế.
Tháng 4: Mùa lễ hội Festival Huế. Không khí sôi động, náo nhiệt, đường phố trang trí rất đẹp. Nếu bạn là người ưa thích phồn hoa, có thể du lịch ở Huế vào thời điểm này.
Từ tháng 5 - tháng 7: Lúc này khí hậu mát mẻ, khô ráo, cũng là thời điểm du lịch Huế đẹp nhất, đặc biệt là đầu tháng 8.
Hướng dẫn di chuyển đến Cố đô Huế
Phương tiện đi đến Huế vô cùng đa dạng, bạn có thể lựa chọn di chuyển bằng tàu hỏa, máy bay hoặc xe khách đều được. Nếu bạn muốn sử dụng phương tiện cá nhân để đi xuyên Việt thì cũng là một lựa chọn thú vị nhé, tuy nhiên với những ai không thể chịu được mệt mỏi hoặc không có thời gian thì nên lựa chọn 3 loại phương tiện trên.
Tàu hỏa: Bạn có thể mua vé tại ga Hà Nội đi đến Huế với chi phí phải chăng, không quá tốn kém, nên đi từ tối hôm trước để có thời gian nghỉ ngơi tiết kiệm thời gian nhé.
Máy bay: Hầu hết các hãng hàng không nội địa hiện nay đều có đường bay thẳng đến Huế. Đây là phương tiện thuận tiện nhất nhưng tốn nhiều chi phí.
Xe khách: Bạn có thể lựa chọn tuyến xe khách đi thẳng từ Hà Nội đến Huế từ bến xe Mỹ Đình hoặc xe dịch vụ đón tại nhà nhé. Một số xe bạn có thể tham khảo như: Camel Travel, Tiến Đạt Thành, Xe Phương Trang…
Lưu trú tại Cố đô Huế
Tại Cố đô Huế có khá nhiều lựa chọn về nơi lưu trú từ khách sạn đến homestay với khung cảnh chìm giữa thiên nhiên nên thơ, hoặc mang nét kiến trúc cổ kính đậm chất Cung đình xưa, bạn có thể tham khảo một số điểm lưu trú sau:
Pilgrimage Village Boutique Resort & Spa
Địa chỉ: 130 Minh Mạng, Thủy Xuân, TP. Huế
Azerai Le Residence Hue
Địa chỉ: 05 Lê Lợi, Vĩnh Ninh, TP. Huế
Homestay A-maze House
Địa chỉ: Số 2, hẻm 122 Lê Thánh Tôn, TP. Huế
Leranda Homestay
Địa chỉ: 75 Võ Thị Sáu, Phú Hội, TP. Huế
Cố đô Huế có gì?
Kinh thành Huế
Kinh Thành Huế hay còn gọi là Đại Nội là địa điểm du lịch nổi tiếng nhất của Huế, gắn liền với lịch sử nhà Nguyễn. Kinh Thành Huế gồm Tử Cấm Thành và Hoàng Cung được xây dựng với lối kiến trúc cung đình độc đáo, còn nguyên giá trị lịch sử, văn hoá.
Bên trong Đại Nội có Điện Thái Hoà là nơi thiết triều và khu vực các miếu thờ. Tử Cấm thành là nơi ăn ở sinh hoạt của vua và hoàng gia.
Thời gian mở cửa: Mùa hè mở từ 6:30 – 17:30; Mùa đông mở từ 7:00 – 17:00.
Giá vé: 30.000 VND/ trẻ em, 120.000 VNĐ/ người lớn và 150.000 VNĐ/ khách nước ngoài.
Lăng của các vị vua
Lăng tẩm Huế là nơi để chôn cất và an táng các vị vua của các triều đại chọn Huế là trung tâm kinh tế, chính trị trong triều đại của mình. Ngay khi còn sống, các nhà vua đã xây dựng sẵn cho mình 1 lăng tẩm. Bởi vậy các khu lăng tẩm vừa dùng để an táng vua, vừa dùng để các vị vua đến nghỉ ngơi khi còn sống.
Lăng Tự Đức: tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh (cũ), nay là thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, thành phố Huế, là nơi chôn cất Nguyễn Dực Tông Tự Đức hoàng đế.
Lăng Minh Mạng: nằm trên núi Cẩm Khê, gần ngã ba Bằng Lãng là nơi hội lưu của hai dòng Hữu Trạch và Tả Trạch hợp thành sông Hương, cách cố đô Huế 12 km.
Lăng Khải Định: là lăng mộ của vua Khải Định, tọa lạc trên triền núi Châu Chữ, bên ngoài kinh thành Huế, nay thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy.
Lăng Gia Long: là một quần thể nhiều lăng tẩm trong hoàng quyến. Là một quần sơn với 42 đồi, núi lớn nhỏ, trong đó có Đại Thiên Thọ là ngọn núi lớn nhất được chọn làm tiền án của lăng và là tên gọi của cả quần sơn này. Nơi đây được cho là có vị trí phong thuỷ đẹp nhất trong quần thể lăng mộ của các vị vua triều Nguyễn. Địa điểm du lịch Huế này thu hút những ai thích vẻ đẹp yên bình, cổ kính.
Ngoài ra còn rất nhiều lăng của các vị vua khác như: Lăng Thiệu Trị, Lăng Đồng Khánh, Lăng Dục Đức.
Văn Miếu
Văn Miếu nằm trên một quả đồi nhỏ hướng nhìn ra sông Hương thơ mộng. Là nơi thờ Khổng Tử và dựng bia khắc tên các Tiến sĩ thời Nguyễn. Đây là ngôi trường Đại học đầu tiên được xây dựng trên mảnh đất cố đô vốn rất nổi tiếng.
Bảo tàng mỹ thuật Cung đình Huế
Bảo tàng mỹ thuật Cung đình Huế trưng bày hơn 300 hiện vật bằng vàng, sành, sứ, trang phục của hoàng thất nhà Nguyễn. Thăm bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế sẽ giúp du khách có một cái nhìn tổng thể về cuộc sống của các vị vua chúa Nguyễn tại đây.
Chùa Thiên Mụ
Chùa Thiên Mụ là một ngôi chùa nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km về phía tây. Đây có thể nói là ngôi chùa cổ nhất của Huế. Chùa Thiên Mụ không quá lớn nhưng được xây dựng thành một quần thể kết hợp từ các công trình đặc sắc như Đại điện Hùng và tòa tháp bát giác Phước Duyên.
Cách di chuyển: Từ vị trí Kinh thành Huế, bạn di chuyến đến đường Đặng Thái Thân và rẽ trái qua Yết Kiêu. Đi thêm một đoạn sẽ thấy đường Lê Duẩn, rẽ trái và đi đến vòng xoay, tiếp tục rẽ phải vào đường Kim Long khoảng 2km là đến cổng chùa Thiên Mụ.
Ngoài những điểm trên bạn có thể ghé thăm Đàn Nam Giao - nơi vua tế trời, Chùa Báo Quốc, Điện Long An, Tàng thư lâu…
Lịch trình du lịch Cố đô Huế tham khảo
Ngày 1: Hà Nội - Huế
Sáng: bay vào huế, nhận phòng nghỉ ngơi và ăn trưa
Chiều: Kinh thành Huế - Tử Cấm Thành
Tối: Phố đi bộ Huế và thưởng thức các món ăn tại đây
Ngày 2: Lăng tẩm các vị vua - đàn Nam Giao - Trường Quốc Tử Giám - hoàng hôn trên sông Hương
Sáng: Ghé thăm Lăng của một vài vị vua. Trên đường từ lăng Khải Định về ghé đàn Nam Giao.
Chiều: Ghé thăm trường Quốc Tử Giám và ngắm hoàng hôn trên sông Hương
Tối: thưởng thức các món ăn và nghe nhạc trên sông Hương
Ngày 3: Chùa Thiên Mụ - biển Thuận An để hít thở một chút vitamin Sea nhé
Sáng: tham quan chùa Thiên Mụ
Chiều: Biển Thuận An
Chiều tối trả phòng khách sạn và bay về Hà Nội
Bài viết cùng chủ đề
Dương Thảo
An editor at StourSomething