Tất tần tật kinh nghiệm leo núi Bà Đen - Chinh phục nóc nhà Đông Nam Bộ
Được mệnh danh là nóc nhà của Đông Nam Bộ, núi Bà Đen đã thu hút nhiều du khách đến tham gia các hoạt động như trekking, cắm trại… vào mỗi dịp cuối tuần. Hãy cùng Stour bỏ túi ngay kinh nghiệm du lịch tại đây nhé…
Nội dung bài viết
Đôi nét về núi Bà Đen
Núi Bà Đen toạ lạc ở phía Đông Bắc thành phố Tây Ninh, thuộc quần thể di tích văn hoá - lịch sử Bà Đen, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 100km. Núi Bà Đen sở hữu độ cao cao nhất vùng Đông Nam Bộ lên tới 986m, nên tại đây hoạt động trekking leo núi và cắm trại khá phổ biến.
Bên cạnh đó, núi Bà Đen còn sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên cực kỳ đẹp, phong cảnh non nước hữu tình say đắm người nhìn. Núi Bà Đen cũng được mệnh danh à ngọn núi leo nhiều lần không chán do có khá nhiều cung leo để bạn khám phá. Mỗi cung leo lại mang một màu sắc riêng chắc chắn sẽ không khiến bạn cảm thấy nhàm chán.
Nên trekking núi Bà Đen vào thời điểm nào?
Thời gian lý tưởng để leo núi Bà Đen là vào mùa khô, khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Thời gian này bạn sẽ dễ dàng để chinh phục nóc nhà Đông Nam Bộ hơn do đường không bị trơn trượt, không khí mát mẻ, và cũng là khoảng thời gian cây cối, sinh vật đang phát triển. Đặc biệt từ ngày 4 đến ngày 16 tháng Giêng sẽ diễn ra lễ hội chùa Bà Đen, nên các du khách tới đây hành hương sẽ rất đông vui, nhộn nhịp nhé.
Hướng dẫn di chuyển đến núi Bà Đen
Từ Hồ Chí Minh để di chuyển đến núi Bà Đen bạn có thể lựa chọn đi bằng xe máy, xe khách hoặc xe buýt đều khá thuận tiện.
Nếu đi bằng phương tiện cá nhân bạn sẽ chạy thẳng theo quốc lộ 22, đến ngã 3 Trảng Bàng thì rẽ phải đi tỉnh lộ 782, đi thêm tầm 60km bạn sẽ đến được Núi Bà Đen. Hoặc khi đến ngã ba Trảng Bàng, bạn có thể rẽ trái đi thị trấn Gò Dầu, rẽ phải chạy theo quốc lộ 22B, sau đó chạy thêm 70km sẽ đến được núi Bà Đen. Đường đi qua thị trấn Gò Dầu sẽ dài hơn tuy nhiên phong cảnh dọc đường đi sẽ đẹp hơn và có thể cho ra lò những bức ảnh cực kỳ đẹp.
Nếu không muốn đi xe cá nhân, bạn có thể đi xe buýt số 703 đến Mộc Bài, sau đó đi xe buýt số 5 đến Tây Ninh. Hoặc đi xe buýt số 13, 94, 74 đến bến xe Củ Chi, đi tiếp xe buýt số 603 đến Tây Ninh.
Ngoài ra xe khách về Tây Ninh cũng rất thuận tiện vì các nhà xe lớn đều có xe trung chuyển chạy vào tới chân núi Bà Đen nhé.
Cung đường trekking núi Bà Đen
Núi Bà Đen nổi tiếng có rất nhiều cung trekking khác nhau, tuy nhiên cung leo đường Chùa và cung leo đường cột điện là hai cung được cho là phổ biến và dễ di chuyển nhất. Hai cung đường này có đường đi khá rõ, đều có chỉ dẫn đường nên bạn hoàn toàn yên tâm không sợ bị lạc nhé. Mỗi cung leo bạn sẽ mất khoảng 3 - 4 tiếng là có thể chinh phục được đỉnh Núi Bà, vì vậy bạn hoàn toàn có thể sắp xếp đi trong một ngày.
Cung leo đường Chùa
Đường chùa nằm ở phía sau lưng chùa Bà, và là cung đường ngắn nhất nhưng cũng dốc nhất để lên núi Bà Đen. Cảnh quan dọc đường đi là những cây cối hoang sơ mọc tầm thấp khá rậm rạp, có nhiều dốc đá lớn nên hơi khó leo trèo. Không gian xanh dọc theo đường chùa rất thơ mộng nên khá lý tưởng cho người thích chụp ảnh. Ở cung đường Chùa sẽ có những quán dừng chân trên đường để mọi người nghỉ ngơi và tiếp nước.
Với những đoạn đường đầu tiên của cuộc hành trình bạn sẽ đi qua những bậc thang dẫn lối lên chùa. Những bậc thang khá hẹp và dốc nên chặng đường này sẽ khá mất sức nhé.
Sau khi lên đến chùa bạn có thể vào chùa cúng viếng để tranh thủ nghỉ ngơi lấy sức cho đoạn đường tiếp theo.
Chặng đường tiếp theo bạn sẽ đi theo lối đường mòn, đường đá và đường rừng nên đường đi sẽ gập ghềnh và thử thách hơn so với những bậc thang của chặng đầu tiên. Tuy nhiên, nhiều nhiều đánh giá thì đoạn đường này sẽ không tốn sức quá nhiều như chặng trước nhé.
Khi gần lên đến đỉnh sẽ có nhiều đoạn dốc hơn và nhiều ngã rẽ khác nhau nên bạn cần chú ý và cẩn thận hơn nhé.
Cung leo đường cột điện
Cung leo đường cột điện là cung đường được hầu hết các trekker yêu thích nhất. Cung đường này sẽ bình yên hơn, độ khó vừa phải, 2 bên có khá nhiều cây, có bóng mát, tuy nhiên dọc đường lại không có quán nước nào chỉ có một quán cô Năm ở đoạn bắt đầu hành trình - cũng là chỗ gửi xe luôn. Vì vậy bạn cần chuẩn bị đủ nước trước khi bắt đầu hành trình nhé.
Đường cột điện bắt đầu từ đài Liệt Sĩ và có cung trek khá dài, ít người qua lại. Bạn có thể dừng chân nghỉ ngơi, uống nước, ngắm cảnh ở một khe nước nhỏ ở bãi đá cột điện số 55 và 65 trong quá trình leo.
Trên đường còn có mũi tên hướng dẫn và các cột điện được đánh số thứ tự (từ 1 đến 117) lên đỉnh núi nên không sợ đi lạc nhé. Từ quán cô Năm, đi men bờ tường đối diện về hướng núi sẽ gặp cột điện đầu tiên. Đây cũng là đoạn dễ lạc nhất vì đi qua nương rẫy của người dân ở đây.
Nếu như bắt đầu hành trình bạn đi qua những rừng xoài, rừng chuối mát mẻ thì càng lên cao bạn sẽ thấy những cánh rừng tre trúc mở ra xanh mướt mắt. Và khi lên đến gần đỉnh sẽ là cánh đồng cỏ lau, cỏ bụi vô cùng thơ mộng.
Cung leo khác
Ngoài hai cung đường phổ biến trên bạn có thể trải nghiệm những cung đường khác được đánh giá là khó khăn và thử thách hơn, và chỉ phù hợp với những trekker đã có dày dặn kinh nghiệm thôi nhé.
Đường đá trắng: Đây là cung đường được đánh giá là khó khăn bậc nhất để chinh phục núi Bà Đen. Với cung đường này bạn sẽ mất khoảng 2 ngày 1 đêm để hoàn thành toàn bộ hành trình. Điểm nhấn của cung đường này là bãi cắm trại tại bãi Đá Bàn lưng chừng núi và con dốc 700 huyền thoại, và sẽ vượt qua khá nhiều tảng đá lớn dốc khó leo.
Đường Ma Thiên Lãnh: Đây cũng là cung đường được đánh giá khó leo và khá nguy hiểm với những con dốc cao liên tục nối tiếp nhau ngày từ những chặng đầu tiên của cuộc hành trình.
Ngoài ra bạn có thể chinh phục núi Bà Đen bằng đường núi Phụng, núi Heo,Colomo, cây đa tàng dù hay ống nước… đều là những trải nghiệm tương đối khó nếu bạn muốn thử thách bản thân nhé.
Những lưu ý để trekking núi Bà Đen
Chuẩn bị các vật dụng cần thiết cho một chuyến trekking như balo, giày, quần áo, vật dụng cá nhân…
Chuẩn bị nhiều nước để tiếp năng lượng cho suốt cuộc hành trình, và đừng quên uống bù khoáng nhé.
Không xả rác bừa bãi và hãy nhớ dọn dẹp vị trí của mình trước khi rời xuống núi nhé.
Vì đường đi khá nhiều bậc thang dốc, nhiều đá lớn nên cần luyện tập thể dục trước kế hoạch trekking để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe nhé.
Bài viết cùng chủ đề
Dương Thảo
An editor at StourSomething