Khám phá top 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam
Nếu bạn không biết Top 10 đỉnh núi cao nhất của Việt Nam gồm những ngọn núi nào, thì hãy cùng Stour khám phá qua bài viết dưới đây nhé …
Nội dung bài viết
Fansipan 3143m (Lào Cai)
Độ cao: 3143m
Địa điểm: Thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, cách thị trấn Sapa khoảng 9km theo hướng Tây Nam, tỉnh Lào Cai.
Địa hình: Địa hình tại Fansipan có khá nhiều dốc và nhiều vắt. Có những con dốc cao thẳng đứng khó đi, càng lên gần đỉnh núi dốc càng cao và khó di chuyển, dễ làm mất sức.
Thời gian trekking: Tùy vào cung trekking mà sẽ có thời gian leo khác nhau. Để chinh phục đỉnh Fansipan bạn sẽ có thể lựa chọn 3 cung leo:
Cung trekking 1: Điểm xuất phát từ Trạm Tôn
⇒ Thời gian chinh phục có thể từ 1 - 2 ngày.
Cung trekking 2: Xuất phát từ Sín Chải
⇒ Thời gian chinh phục từ 1 - 2 ngày.
Cung trekking 3: Xuất phát từ bản Cát Cát
⇒ Thời gian chinh phục khoảng 3 ngày 2 đêm.
Độ khó: Ở mức trung bình. Tùy vào từng cung trekking sẽ có độ khó khác nhau, trong đó cung trek từ bản Cát Cát là có độ khó cao nhất nhưng có cảnh quan sinh động nhất.
Fansipan có gì đẹp
Fansipan có hệ sinh thái rừng á nhiệt đới núi cao với hệ động vật và thảm thực vật phong phú, đa dạng và nhiều sinh cảnh đặc hữu. Những khu rừng già hàng trăm năm tuổi, những khu rừng trúc xanh mát mắt người nhìn, và những loài hoa rừng khoe sắc thắm dưới ánh mặt trời lung linh.
Tháng 2 - tháng 4 là thời điểm nở rộ của hoa đào, hoa mận.
Tháng 5 - tháng 7 là cơ hội để ngắm nhìn vẻ đẹp của những khóm hoa đỗ quyên đỏ rực, hồng cổ, hồng leo, hướng dương, thanh anh, cẩm tú cầu…
Tháng 8 - tháng 10: chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang chín vàng như những bức tranh thiên nhiên thơ mộng.
Tháng 11 - tháng 1: thời điểm này bạn có thể sẽ bắt gặp những bông tuyết trắng xinh đẹp.
Pusilung 3083m (Lai Châu)
Độ cao: 3083m
Địa điểm: xã Pa Vệ Sử - Mường Tè, tỉnh Lai Châu.
Địa hình: địa hình hiểm trở, nhiều ghềnh thác, dốc cao, vực sâu.
Thời gian trekking: Đỉnh Pusilung có 2 cung trekking chính, trung bình sẽ tốn 3 ngày 2 đêm để hoàn thành:
Cung trekking 1: Mường Tè – Pa Vệ Sử – Hang Đá - đi đường mới (không qua mốc 42) – đỉnh Pusilung – đi đường cũ (qua mốc 42) - Hang Đá - Pa Vệ Sử – Mường Tè.
⇒ Thời gian trekking là 3 ngày 2 đêm.
Cung trekking 2: Mường Tè – Pa Vệ Sử - Cột mốc 42 - điểm hạ trại - đỉnh Pusilung – cột mốc 42 - Pa Vệ Sử – Mường Tè.
⇒ Thời gian trekking là 3 ngày 2 đêm, ngoài ra bạn có thể chia nhỏ thời gian thành 4 ngày 3 đêm để đảm bảo sức khỏe nhé.
Độ khó: độ khó đứng top 1 trong các đỉnh núi tại Việt Nam.
Pusilung có gì đẹp: Pusilung có thảm thực vật vô cùng đa dạng, những khu rừng vô cùng huyền bí, ma mị, đặc biệt vào khoảng tháng 3 đến tháng 5 bạn sẽ được ngắm vẻ đẹp của loài hoa đỗ quyên tại ngọn núi này.
Putaleng 3049m (Lai Châu)
Độ cao: 3049m
Địa điểm: nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn, thuộc xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, cách thành phố Lai Châu khoảng 20km.
Địa hình: cung leo dài, khúc khuỷu và địa hình núi dốc dựng đứng và có nhiều suối.
Thời gian trekking: thời gian trung bình sẽ mất từ 2 - 3 ngày để chinh phục đỉnh núi này.
Cung 1: Lên từ xã Hồ Thầu - Xuống đường Tả Lẻng ⇒ thời gian 3 ngày 2 đêm (hoặc 2 ngày 1 đêm cho những người khỏe)
Cung 2: Lên từ xã Hồ Thầu - Xuống Sì Thâu Chải
⇒ thời gian 2 ngày 1 đêm
Cung 3: Lên từ xã Sì Thâu Chải - xuống Tả Lẻng
⇒ thời gian 3 ngày 2 đêm
Độ khó: độ khó nằm trong nhóm top 4 độ khó của các đỉnh núi tại Việt Nam
Putaleng có gì đẹp: núi Putaleng chính là sự cộng hưởng của nhiều ngọn núi khác nhau. Tại nơi đây bạn có thể ẩn mình vào những khu rừng hệt như trong những câu chuyện cổ tích, ngắm nhìn những biển mênh bồng bềnh lững lờ trôi, ngâm mình trong làn nước suối trong vắt mát lạnh và đặc biệt là bạn sẽ được ngắm nhìn những bông hoa đỗ quyên nở rực rỡ cả vùng trời Tây Bắc mà không đâu sánh bằng.
Bạch Mộc Lương Tử – Kỳ Quan San 3046m
Độ cao: 3046m
Địa điểm: thuộc dãy Kỳ Quan San nằm giữa xã Sin Suối Hồ (Phong Thổ, Lai Châu) và Sàng Ma Sáo( Bát Xát, Lào Cai).
Địa hình: nhiều địa hình khác nhau như đồi trọc, rừng tre nứa, rừng gỗ lớn, rừng trúc lùn cho đến những vách đá cheo leo toàn rêu phủ.
Thời gian trekking: Thời gian trekking trung bình là 3 ngày 2 đêm, có 2 cung trek sau:
Cung 1: xuất phát từ bản Dền Sung, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, Lai Châu. Từ đây đi theo đường mòn là sẽ tới được chân núi Kỳ Quan San.
Cung thứ 2: xuất phát từ bản Kỳ Quan San, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, Lào Cai. Đây cũng là cung được các trekker lựa chọn nhiều hơn.
Độ khó: Độ khó của Bạc Mộc Lương Tử thuộc mức trung bình, nằm ở trong top 4.
Bạch Mộc Lương Tử có gì đẹp: một trong những điểm ngắm mây đẹp nhất trên những ngọn núi cao của miền bắc Việt Nam. Có thể nói “bình minh trên mây cao” đã trở thành thương hiệu của ngọn núi Bạch Mộc này. Ngoài ra bạn sẽ được chiêm những sắc đẹp của rừng hoa ban, hoa mận, hoa đào và những bông tuyết trắng vào mùa đông.
Phàn Liên San – Khang Su Văn 3012m (Lai Châu)
Độ cao: 3012m
Địa điểm: xã Pa Vây Sử, Huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu
Địa hình: Cung leo với tổng chiều dài khoảng 20km, bạn sẽ băng rừng vượt suối để lên đỉnh thành công. Những đoạn đường khá dốc và trơn trượt do có nhiều con suối nhỏ và nước chảy khá siết. Những vách đá dốc thẳng đứng phải bò bám mới có thể vượt qua…
Thời gian trekking:
Cung trekking: Dào San - Pa Vây Sử - điểm hạ trại (cao 2600m) - Mốc 79 - Đỉnh Khang Su Văn - Pa Vây Sử - Lai Châu.
⇒ Với cung trekking này bạn sẽ mất khoảng 2 ngày 1 đêm để hoàn thành
Độ khó: Cùng độ khó với Bạch Mộc Lương Tử ở vị trí top 4
Khang Su Văn có gì đẹp: Bạn sẽ được ngắm nhìn vẻ đẹp của những rừng cây cổ thụ nhiều hình dáng kì lạ đầy ma mị, những con thác nước nằm giữa cánh rừng già, những bông hoa dại đang vươn mình khoe sắc, điểm tô giữa cánh rừng già là loài hoa đỗ quyên xinh đẹp như thiếu nữ với đủ loại màu sắc, những biển mây bồng bềnh như chốn bồng lai… tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên với cảnh sắc hài hòa, quyến rũ các trekker.
Tả Liên Sơn 2996m (Lai Châu)
Độ cao: 2996m
Địa điểm: xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, Lai Châu
Địa hình: nhiều đoạn hiểm trở, đường đèo, dốc núi cheo leo, càng lên cao càng nhiều con dốc ngược.
Thời gian trekking: Cung trekking: Bản Tả Lèng - độ cao 1900 - hang trú qua đêm - đỉnh Tả Liên Sơn - bản Tả Lèng.
⇒ Thời gian để vượt qua cung trekking này là 2 ngày 1 đêm.
Độ khó: Độ khó của ngọn núi này nằm ở mức trung bình, nằm trong nhóm top 6 về độ khó của các đỉnh núi tại Việt Nam
Tả Liên Sơn có gì đẹp: Tả Liên hấp dẫn bởi thảm thực vật nguyên sinh đa dạng. Khu rừng bao phủ bởi những cây cổ thụ, cành lá xum xuê thân cây to sần sùi và dương xỉ bám kín. Rừng cổ thụ với những cây cao lớn, dây leo bám chằng chịt từ phiến đá đến cành lá. Khung cảnh vốn đã hùng vĩ lại càng trở nên bí ẩn, thu hút.
Tà Chì Nhù – Pú Luông 2979m (Yên Bái)
Độ cao: 2979m
Địa điểm: xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, là một phần của khối núi Pú Luông, thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn.
Địa hình: Địa hình ở Tà Chì Nhù chủ yếu là đồi dốc cao, đường đi khúc khuỷu, thậm chí có những đoạn là đồi dựng đứng, dốc cao liên tục nối tiếp nhau. Đường mòn nhỏ và rất dốc, sống núi nguy hiểm và không có điểm bám, nhiều đoạn phải bò để leo lên được.
Thời gian trekking: Cung trekking: Mỏ Chì - lán nghỉ 2400m - đỉnh Tà Chì Nhù - lán nghỉ 2400m - Mỏ Chì - Trạm Tấu.
⇒ Cung trekking ngắn, chỉ mất khoảng 2 ngày 1 đêm
Độ khó: Vì cũng có tương đối các đoạn đường bằng phẳng dễ đi nên ngọn núi này chỉ nằm trong nhóm top 4 về độ khó.
Tà Chì Nhù có gì đẹp: Nơi đây chính là thiên đường của loài hoa Chi Pâu, tại đây bạn sẽ bị đắm chìm vào hương sắc ngập tràn của loài hoa rừng dại này, ngắm nhìn những biển mây bồng bềnh trôi như một khung cảnh chốn bồng lai khó cưỡng. Và chiêm ngưỡng thiên nhiên kỳ vĩ hai bên đường với những cánh rừng nguyên sinh xanh ngát rậm rạp. Rừng cũng thay đổi theo độ cao từ rừng rậm nguyên sinh sang kiểu rừng lùn tán thấp. Những cánh rừng trúc dày đặc đan xen nhau, lúc ẩn lúc hiện trong màn mây trắng mờ ảo.
Pờ Ma Lung 2967m (Lai Châu)
Độ cao: 2967m
Địa điểm: bản Lang, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.
Địa hình: địa hình dốc dài, đi dọc suối và thác, dốc cao
Thời gian trekking: 2 ngày 1 đêm
Độ khó: Mặc dù chỉ cao trong top 8 nhưng độ khó của ngọn núi này nằm trong nhóm top 4 ngọn núi khó chinh phục nhất Việt Nam.
Pờ Ma Lung có gì đẹp: Dọc hành trình bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những thác nước hùng vĩ đổ xuống tung bọt trắng xóa. Băng qua những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn cùng thảm thực vật đa dạng, hay hòa mình vào những dòng suối mát lạnh trong vắt. là những gì bạn sẽ được trải nghiệm khi chinh phục ngọn núi này.
Nhìu Cồ San 2965m (Lào Cai)
Độ cao: 2965m
Địa điểm: xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Địa hình: địa hình dốc, đi qua thác, đường rừng nhiều
Thời gian trekking: 2 ngày 1 đêm
Độ khó: Nằm trong nhóm có độ khó thuộc top 5
Nhìu Cồ San có gì đẹp: Một trong những nét đẹp ấn tượng nhất của Nhìu Cồ San đó là khu rừng thủy tinh ,với những loài hoa đẹp mắt và mùi hương thơm ngát khi mùa đông về. Những mây tầng tầng lớp lớp chồng lên nhau bao quanh những đỉnh núi, và nhất là lúc bình minh. Khi những tia nắng bắt đầu chiếu qua tạo nên khung cảnh vừa kỳ ảo vừa đẹp mắt.
Chung Nhía Vũ 2918m (Lai Châu)
Độ cao: 2918m
Địa điểm: xã Nậm Xa, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu
Địa hình: Với địa hình bao gồm các con suối lớn, rừng già, rừng trúc, rừng thảo quả.
Thời gian trekking: 2 ngày 1 đêm. Do nằm trên tuyến đường biên giới nên bạn sẽ cần được sự đồng ý của đồn biên phòng Nậm Xe nếu muốn chinh phục đỉnh cao này.
Độ khó: con đường trekking không quá khó khăn, nằm trong nhóm top 8 đỉnh núi khó leo nhất Việt Nam, khá nhẹ nhàng cho tất cả mọi người.
Chung Nhía Vũ có gì đẹp: Khám vẻ sự đang dạng của thảm thực vật nơi đây, chinh phục các cột mốc biên giới Việt - Trung, đây cũng là một địa điểm săn mây tương đối đẹp cho những trekker không thể leo những đỉnh núi khó nhé.
Trên đây là bài chia sẻ thông tin về top 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam, hi vọng qua bài viết này các bạn sẽ có thêm thông tin về các đỉnh núi tại Việt Nam để lựa chọn cho hành trình sắp tới của mình nhé!!!
Bài viết cùng chủ đề
Dương Thảo
An editor at StourSomething