Phố cổ Hội An-nơi thời gian lắng đọng

avatar
Thúy Hằng

An editor at Stour


  • 2022 July 04
  • 5 min read
  • 266
  • 766 Views

Bình yên, cổ kính, nên thơ và đầy hoài niệm-đó là những gì mà người ta thường nói về Phố cổ Hội An-mảnh đất gây thương nhớ cho du khách trót yêu vẻ đẹp nơi này

Ảnh: Fb. Nguyễn Tuấn Anh Ảnh: Fb. Nguyễn Tuấn Anh

Giới thiệu về Hội An

Hội An ở đâu?

Hội An là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam-nằm ở khu vực Nam Trung Bộ của nước ta. Ở Hội An, có một điểm du lịch thu hút hàng triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước mỗi năm, đó là Phố cổ Hội An.

Phố cổ Hội An ở đâu?

Phố cổ Hội An nằm tại phường Minh An, thành phố Hội An, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 30km về phía Nam, cách Thánh Địa Mỹ Sơn khoảng 40 km. Phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới ngày 4/12/1999.

Hội An ra đời vào khoảng nửa cuối thế kỉ 16, dưới sự trị vì của nhà Lê. Trong thế kỷ 17 và 18, Hội An từng là thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất Đông Nam Á nối vào con đường tơ lụa trên biển, là nơi gặp gỡ, buôn bán với những thuyền buôn đến từ Trung Quốc, Nhật Bản và các nước phương Tây. Trước đó, Hội An cũng từng có dấu tích của thương cảng Chăm Pa. Chịu sự ảnh hưởng, giao thoa giữa nhiều nền văn hóa đã tạo nên một Hội An Quảng Nam đa sắc màu, giàu truyền thống và vẫn còn lưu giữ được những giá trị đặc sắc cho đến tận ngày hôm nay. Tất cả những nét đẹp văn hóa đó được thể hiện rõ nhất tại khu vực phố Cổ Hội An-điểm check in du khách không nên bỏ lỡ.

Ảnh: Fb. Khả Tú Trần Ảnh: Fb. Khả Tú Trần

Nên đi du lịch Hội An vào thời gian nào

-         Từ tháng 2 đến tháng 4 : trong tiết trời xuân mát mẻ, Hội An ít mưa và có nắng nhẹ -thời tiết tuyệt đẹp, rất lý tưởng để du khách đến với Hội An. 

-         Từ tháng 5 đến tháng 7: là cuối mùa khô ở Hội An, thời tiết không quá nóng, trời trong xanh- cũng rất thích hợp để dạo chơi phố cổ

-         Tháng 8, tháng 9: thời tiết Hội An mưa khá nhiều nhưng du khách vẫn có thể thoải mái tham quan các điểm đến ở Hội An và phố cổ Hội An

-         Tháng 10 - 1 năm sau là mùa mưa bão, các tuyến phố sẽ bị ngập nên lượng khách đến Hội An thường ít hơn.

Cách di chuyển đến phố cổ Hội An

Bạn có nhiều lựa chọn về phương tiện di chuyển để đến được phố cổ Hội An

-         Máy bay: bạn book vé bay đến Đà Nẵng, sau đó di chuyển tới Hội An bằng xe bus/taxi/xe máy. Do khoảng cách giữa Đà Nẵng và Hội An khá gần nên có nhiều chuyến xe bus hoạt động liên tục giữa hai địa điểm du lịch này.

-         Tàu hỏa: đặt vé tàu đến ga Đà Nẵng rồi di chuyển tiếp tới Hội An

-         Xe khách: đi xe khách tới Đà Nẵng là giải pháp tiết kiệm hơn so với máy bay và tàu hỏa. Bạn nên chọn các nhà xe uy tín để có một chuyến đi an toàn. Tham khảo các nhà xe: Hoàng Long, Dương Vũ, Tân Kim Chi, Hoàng Vân-nếu bạn xuất phát từ Hà Nội. Nếu đi từ TP.Hồ Chí Minh, có các nhà xe: Tân Ngọc Trinh, Tăng Tín, Tâm Minh Phương.

-         Xe máy: phù hợp với những ai thích đi phượt, trải nghiệm những cung đường đầy nắng gió. Khi đi Hội An bằng xe máy, bạn cần mang theo đầy đủ giấy tờ, mũ bảo hiểm, đổ đầy xăng và đảm bảo sức khỏe tốt để lên đường.

Các phương tiện đi lại trong phố cổ Hội An

-         Xe đạp: len lỏi trong những ngõ ngách nhỏ xinh, chầm chậm ngắm nhìn những công trình kiến trúc độc đáo là cách tuyệt vời nhất để du khách cảm nhận vẻ đẹp bình yên, hoài cổ nơi này. Một số cơ sở lưu trú sẽ cung cấp sẵn xe đạp và miễn phí sử dụng cho du khách hoặc bạn cũng có thể thuê xe đạp với chi phí vừa phải.

-         Xe máy: tính linh động cao, giá thuê rẻ, rất tiện dụng để di chuyển trong phố cổ, có thể dừng lại ở bất cứ điểm nào để check in.

-         Xích lô: dạo quanh phố cổ bằng xích lô là một trải nghiệm thú vị, rất chill với du khách.

-         Taxi: nếu bạn đi nhóm đông người và muốn đi nhanh thì nên gọi taxi của các hãng như: taxi Hội An, taxi Mai Linh, taxi Faifo

Ảnh: Fb. Bùi Huy Khang Ảnh: Fb. Bùi Huy Khang

Những điểm tham quan tại phố cổ Hội An

Những ngôi nhà cổ

Những ngôi nhà mái ngói một hoặc hai tầng, sơn vàng, hình dáng tương tự nhau là điểm đặc trưng trong kiến trúc nhà ở tại phố cổ Hội An. Sử dụng mái vì kèo gỗ truyền thống lợp ngói âm dương, nhà có chiều ngang khiêm tốn và chiều sâu khá dài, tạo nên kiểu nhà hình ống. Ngói dùng để lợp nhà ở được làm từ đất, mỏng, nung thô, hình vuông, hơi cong, mỗi cạnh dài khoảng 22cm. Tuy nhiều căn nhà đã phủ đầy rêu phong cổ kính nhưng nhìn chung vẫn rất cứng cáp. Nhà được xây san sát theo kiểu ô bàn cờ, đường đi khá hẹp. Những con hẻm nhỏ chỉ rộng khoảng 1 sải tay người lớn, sâu hun hút và cũng được sơn màu vàng để hài hòa với tổng thể và là điểm chụp ảnh rất được du khách yêu thích. 

Ảnh: Fb. Hảo Nguyễn Ảnh: Fb. Hảo Nguyễn

Đến với phổ cổ Hội An, du khách nên tìm đến những ngôi nhà cổ lâu đời để chiêm ngưỡng và tìm hiểu lịch sử, những giá trị văn hóa gắn liền với chúng.

Nhà cổ Tấn Ký:  ngôi nhà cổ đầu tiên được vinh danh là Di sản Quốc Gia, nổi tiếng số 1 tại Hội An. Trải qua cả thế kỷ, thậm chí qua trận lũ lịch sử năm 1964, ngôi nhà vẫn nguyên vẹn. Nhà cổ Tấn Ký là sự kết hợp các phong cách kiến trúc Việt Nam, Trung Hoa và Nhật Bản trong từng hoa văn. Từng chi tiết trong nhà được xây dựng vô cùng tỉ mỉ và tinh tế, khiến nơi đây trở thành địa điểm du lịch Hội An thu hút nhiều du khách.

Ảnh: Internet Ảnh: Internet

Nhà cổ Phùng Hưng: thuộc sở hữu của một thương gia giàu có bậc nhất hội An trước đây, là ngôi nhà rộng và cao nhất vùng. Nhà hoàn toàn dựng bằng gỗ lim tốt, gỗ quý, mang nét kiến trúc truyền thống và thể hiện cuộc sống khá giả của gia chủ

Ảnh: Fb. Hà Linh Ảnh: Fb. Hà Linh

Nhà cổ Đức An: kiến trúc đậm chất phương Đông, được xây bằng gỗ kiềng kiềng - loại gỗ chỉ có ở vùng đất Quảng Nam. Không chỉ thu hút khách tham quan bởi vẻ đẹp trầm mặc mà ở trong căn nhà gỗ này còn lưu giữ nhiều đồ đạc, sổ sách, … với cách bài trí gợi nhắc về một thời xa xưa.

Ảnh: internet Ảnh: internet

Chùa Cầu

Nếu đến Hội An mà không đi Chùa Cầu thì quả là một thiếu sót lớn. Chùa Cầu chính là biểu tượng thiêng liêng của phố cổ Hội An, có lịch sử 400 năm, sừng sững uy nghi vắt mình qua sông Hoài- một nhánh sông Thu Bồn trầm mặc. Chùa Cầu nổi bật với cây cột bằng gỗ, được sơn son, chạm trổ kỳ công, tỉ mỉ. Chùa được xây dựng trên một cây cầu đá có vòm cong mềm mại. Thương cảng Hội An xưa từng là nơi giao thương sầm uất nên kiến trúc nơi đây in đậm sự giao thoa kiến trúc nổi bật của Việt Nam và các nước Đông Á: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Chùa Cầu còn được gọi là Lai Viễn Kiều với ý nghĩa “Bạn từ phương xa đến”, thể hiện sự ngợi khen, trầm trồ và tấm lòng yêu mến khung cảnh tuyệt sắc của chúa Nguyễn Phúc Lai -người đã đặt tên này. Chùa Cầu Hội An không thờ Phật mà thờ Bắc Đế Trấn Võ – một vị thần bảo hộ xứ sở, đem niềm vui, hạnh phúc đến cho người dân bản địa.

Ảnh: Fb. Thọ retricted Ảnh: Fb. Thọ retricted

Những hội quán của người Hoa

Con đường Trần Phú là nơi du khách sẽ bắt gặp nhiều hội quán của người Hoa nhất ở Hội An. Đó là nơi sinh hoạt cộng đồng và cũng là một cách để người Trung Hoa tại Hội An tưởng nhớ về quê hương, cội nguồn của mình. Một số hội quán tiêu biểu có thể kể đến như:

Hội quán Phúc Kiến: đẹp nhất và có quy mô lớn nhất trong số các hội quán địa phương. Sau cổng Tam quan là một vườn rộng lớn, có hòn non bộ với tượng cá chép vượt vũ môn. Khi đến hội quán Phúc Kiến, bạn nên ghé thăm khu vực chính điện thờ bà Thiên Hậu Thánh Mẫu, bà chúa sinh thai, 12 bà mụ. Ngoài ra, trong hậu tẩm, những người đến đây có thể thắp những vòng hương lớn, thường treo cùng tờ giấy ghi thông tin để cầu mong sức khoẻ và tài lộc.

Ảnh: Fb. Diễm Quỳnh Ảnh: Fb. Diễm Quỳnh

Hội quán Triều Châu: gây ấn tượng với lối kiến trúc cầu kỳ, họa tiết trang trí theo truyền thuyết dân gian. Đặc biệt, những họa tiết đắp nổi bằng sành sứ đã tạo nên nét riêng có một không hai của Hội quán Triều Châu.

Ảnh: emilystagram19 Ảnh: emilystagram19

Hội quán Quảng Đông: nằm ngay trung tâm phố cổ Hội An, rất tiện đường để du khách ghé qua. Hội quán này vốn là nơi gặp mặt làm ăn, do một hội thương nhân Quảng Đông Trung Quốc xây dựng nên. Do đó, công trình mang kiến trúc Trung Hoa đặc sắc, có sự kết hợp tinh tế của gỗ và đá, những họa tiết long, lân được khắc tinh xảo. 

Ảnh: Fb. Bắp Mơ Ảnh: Fb. Bắp Mơ

Những ngôi chùa-miếu cổ-nhà thờ cổ

Trong hành trình khám phá những nét đẹp cổ xưa, du khách cũng nên dành chút thời gian để đến với những địa điểm sau:

Chùa Bà Mụ: ở số 675 đường Hai Bà Trưng, ngay trong trung tâm phố cổ Hội An, mang kiến trúc biểu tượng của tín ngưỡng Cẩm Hà Cung và Hải Bình Cung. Chùa Bà Mụ là điểm check in siêu hot, rất được lòng các bạn trẻ.

Miếu Quan Công (Chùa Ông): tiêu biểu cho kiến trúc đền miếu của người Minh Hương ở Hội An Quảng Nam. Đúng như tên gọi, miếu thờ Quan Công, một biểu tượng của trung – tín – tiết – nghĩa. Đặc trưng của Miếu Quan Công là những bức tường gạch chịu lửa, mái ngói âm dương và những hình điêu khắc rồng phượng tinh xảo.

Nhà thờ tộc Trần: được xây dựng năm 1802 bởi vị quan họ Trần thuộc một gia tộc lớn từ Trung Hoa di cư đến Hội An. Nhà thờ được xây dựng theo những nguyên tắc phong thuỷ truyền thống của người Trung Hoa và người Việt, bài trí rất nghệ thuật, đẹp mắt với  khu vườn rộng 1.500 m2, được bao quanh bởi tường cao, cây cối xanh tươi, cây khế trăm tuổi.

Chùa Bà Mụ-Ảnh: Fb. Mai Nguyễn Chùa Bà Mụ-Ảnh: Fb. Mai Nguyễn

Hội An về đêm có gì

Hãy thử một lần dạo chơi phố cổ Hội An về đêm để có những trải nghiệm tuyệt vời:

Ngắm đèn lồng về đêm: khi những chiếc đèn lồng được thắp sáng tạo nên khung cảnh lung linh, huyền ảo, lãng mạn và vô cùng bình yên.

Đi thuyền trên sông Hoài, ngắm cảnh phố lên đèn hai bên bờ sông kết hợp thả đèn hoa đăng nguyện ước là hoạt động văn hóa được nhiều người yêu thích ở Hội An.

Ngoài ra, du khách có thể tham gia các trò chơi dân gian ở các khu chợ đêm hay đầu phố cổ Nguyễn Thái Học và qua đó, hiểu rõ hơn về văn hóa dân gian bản địa.

Đặc biệt, du khách không nên bỏ lỡ show diễn Kí ức Hội An-một chương trình thực cảnh ngoài trời đặc sắc, kể về những giai đoạn lịch sử của Hội An bằng nhiều ngôn ngữ nghệ thuật: múa, ánh sáng, âm thanh, âm nhạc kết hợp với các đạo cụ và công nghệ hiện đại, tạo nên màn diễn hoành tráng, sống động và đầy cảm xúc.

Ảnh: Fb. Ngân Thương Ảnh: Fb. Ngân Thương

Ăn gì ở Hội An

Không chỉ gây ấn tượng bởi vẻ đẹp trầm mặc, bình yên, phố cổ Hội An còn làm say lòng du khách bởi nền ẩm thực độc đáo. Cùng điểm qua một vài món ngon trứ danh “must try” khi đến Hội An:

-         Mì Quảng: đặc sản số 1 Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng. Mì Quảng mang hương vị đậm đà, topping gồm thịt, tôm, trứng cút được ăn kèm với bánh tráng nướng, rau sống. Có nhiều quán bán món mì Quảng, nhưng ngon nhất là Mì Quảng ông Hai Hội An-6A Trương Minh Lượng, Hội An.

-         Cơm gà Phố Hội: cơm ngon, dẻo ăn cùng với gà, hành tây, rau thơm Trà Quế và đu đủ chua, thêm một chén súp đậm đà giúp món ăn thêm hấp dẫn

-         Bánh mì Phượng Hội An: nằm ở số 2B Phan Chu Trinh, Cẩm Châu, Hội An, được đầu bếp danh tiếng Anthony Bourdain khen ngợi là “bánh mì ngon nhất thế giới”. Từng đoàn người xếp hàng dài để mua bánh mì Phượng Hội An đã trở thành hình ảnh quen thuộc, là minh chứng rõ nhất cho sức hút và độ ngon của đặc sản này.

Ảnh: internet Ảnh: internet

-         Cao lầu

-         Bánh đập-hến xào

-         Bánh xèo Hội An

-         Chè bắp

-         Bánh canh

…..

Ngoài ra, bạn cũng nên dành thời gian đến các quán cafe Hội An để thư giãn và ngắm nhìn toàn cảnh phố cổ từ trên cao cực đẹp và chill. Những quán cafe hút khách như: Faifo Coffee, Cocobox, The Chef, U Cafe, Cargo Caffe Club, Mót Hội An…là nguồn cảm hứng để sáng tạo nên những shoot hình tuyệt đẹp về phong cảnh và ẩm thực Hội An.

Faifo Cafe-Ảnh: Fb. Tạ Xuân Hương Faifo Cafe-Ảnh: Fb. Tạ Xuân Hương Ảnh: Fb. Taiho Ảnh: Fb. Taiho

Lưu trú tại Hội An

Có rất nhiều cơ sở lưu trú với đủ loại hình: khách sạn, resort, villa, homestay…cho bạn lựa chọn tại Hội An. Tham khảo một số cơ sở uy tín như:

-         Hoi An Riverland Villa. Địa chỉ: số 7, Thoại Ngọc Hầu, Phường Cẩm Phô, Minh An, Hội An

-         Hoi An Heart Logde. Địa chỉ: 621/7 Hai Bà Trưng, Phường Cẩm Phô, Sơn Phong, Hội An.

-         The View Homestay Hoi An. Địa chỉ: 28/6 Trần Hưng Đạo, Sơn Phong, Hội An

-         Hoi An Field Boutique Resort & Spa. Địa chỉ: đường Trần Nhân Tông, làng Cẩm Thanh, Cẩm Thanh, Hội An.

Bên cạnh phố cổ, du khách nên kết hợp đi tham quan, khám phá các điểm du lịch hấp dẫn khác như: biển Hội An (bãi biển An Bàng, Cửa Đại, Hà My), Thánh Địa Mỹ Sơn, VinWonders Nam Hội An, rừng dừa Bảy Mẫu, Cù Lao Chàm…

Biển An Bàng-ảnh: Fb.Thu Phuong Vu Biển An Bàng-ảnh: Fb.Thu Phuong Vu

avatar

Thúy Hằng

An editor at Stour

Something


Comments